Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quá nhiều chuyện buồn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhiều vấn đề về văn hóa trong đời sống hiện tại đã được đem ra "mổ xẻ" tại cuộc hội thảo bàn tròn "Hệ giá trị văn hóa Việt Nam trong đổi mới, hội nhập", diễn ra sáng 29/5 tại Hà Nội. Trong đó, văn hóa sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) được bàn luận nhiều nhất vì đang bộc lộ nhiều biểu hiện tiêu cực.

Nhầm chỗ…

Nếu như cách đây hơn 10 năm, chỉ nhóm người khá giả về kinh tế mới sử dụng ĐTDĐ thì nay đã trở thành phương tiện giao tiếp, liên lạc phổ biến. Theo số liệu của Bộ TT&TT, tổng số thuê bao điện thoại được đăng ký và đang hoạt động trên toàn quốc hiện là 148,5 triệu, trong đó ĐTDĐ chiếm 93,3%. Tính trung bình, mật độ sử dụng ĐTDĐ đang ở mức 1,5 thuê bao/người dân. Cùng với sự tăng lên về số lượng thuê bao, chất lượng dịch vụ ĐTDĐ còn không ngừng được cải thiện. Từ tính năng nghe, gọi và nhắn tin như truyền thống, ĐTDĐ còn có thể cung cấp các dịch vụ giải đáp, hỗ trợ hữu ích cho người sử dụng như định vị GPRS, nâng cấp theo thế hệ 2G, 3G, 4G khiến việc truy cập internet, tương tác qua âm thanh, hình ảnh trở nên dễ dàng hơn…  

Quá nhiều chuyện buồn - Ảnh 1

Nhiều người vẫn có thói quen sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông. Ảnh: Đức Giang

Song điều đáng nói, cùng với tốc độ phát triển chóng mặt của ĐTDĐ, những điều bất cập trong văn hóa giao tiếp bằng loại phương tiện này cũng bùng nổ. Nhà nghiên cứu Nguyễn Liên Hương (Tạp chí văn hóa nghệ thuật Việt Nam) phàn nàn: "Ở những nơi công cộng như rạp chiếu phim, nhà hát… mặc dù đã có yêu cầu khán giả tắt hoặc để ĐTDĐ ở chế độ yên lặng, nhưng rất nhiều người vẫn nghe, gọi một cách thản nhiên. Trong nhiều công sở, không ít trường hợp thủ trưởng đang chủ trì cuộc họp, vài phút lại có một cuộc gọi". Hiện, Luật Giao thông đường bộ đã quy định xử phạt nặng đối với người đang điều khiển ô tô, xe gắn máy có hành vi sử dụng ĐTDĐ, nhưng tình trạng này vẫn không được cải thiện là bao... Chính vì vậy, nhiều người nói rằng, ĐTDĐ đang bị sử dụng "nhầm chỗ", không đúng nơi, đúng lúc.

Có còn sự trong sáng của tiếng Việt?

Một hiện tượng khá phổ biến hiện nay là các tin nhắn được soạn sẵn và gửi cho nhiều người với cùng một nội dung. Điển hình như: "Nhân ngày mùng 8/3, xin gửi lời chúc mừng tốt đẹp đến các bà, các mẹ, các chị và các em"; "Chúc bạn một năm mới vui vẻ, thành công"… Điều này thể hiện sự thiếu chân thành của người gửi đối với người nhận. Đặc biệt, giới trẻ bây giờ còn sử dụng một thứ ngôn ngữ lạ được biến thể từ tiếng Việt kiểu như "3m Ckuc 2ak dzui dze" (Em chúc hai anh vui vẻ), khiến không ít người nhận không thể giải mã nổi. Thậm chí, có người còn tận dụng dạng chữ viết không dấu để tạo ra những thông tin mơ hồ, gây cười như: "Co ve an com khong, con cho" (còn chờ/con chó). Theo PGS.TS Phạm Văn Tình (Viện Từ điển và Bách khoa thư), thực chất đây là hiện tượng đùa tếu thiếu suy nghĩ và kém văn hóa. Bản thân ĐTDĐ không có lỗi mà do cách ứng xử chưa có văn hóa của người sử dụng. Để nâng cao văn hóa giao tiếp bằng ĐTDĐ, bà Nguyễn Liên Hương cho rằng: "Cần đưa nội dung giao tiếp qua điện thoại vào giảng dạy trong trường học, coi đây là một trong những kỹ năng sống, giúp giới trẻ biết khai thác các chức năng của điện thoại, biết sử dụng đúng lúc, đúng chỗ với mục đích trong sáng". Trong khi đó, TS Đỗ Quang Minh (ĐH sư phạm nghệ thuật T.Ư) cho rằng: "Mức phạt đối với những người sử dụng ĐTDĐ khi đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông vẫn chưa đủ sức răn đe. Do vậy, cần được tăng lên, đồng thời, các lực lượng chức năng cần giám sát chặt chẽ, thường xuyên nhắc nhở, xử lý hành vi này"... Bởi lẽ, sử dụng ĐTDĐ hợp lý không chỉ góp phần đem lại thành công, mà còn tạo nên nét đẹp văn hóa cho mỗi cá nhân và toàn xã hội trong hoạt động giao tiếp.