Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Qua thời lướt sóng vàng?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 2 tháng gần đây, giá vàng trong nước bắt đầu thu hẹp khoảng cách với giá thế giới, thậm chí những ngày qua còn ở mức thấp hơn.

Vì sao xảy ra hiện tượng này, diễn biến vàng trong nước và thế giới sẽ ra sao, nhà đầu tư trong nước có nên trở lại thị trường vàng lúc này, quản lý vàng thế nào để không xảy ra tình trạng xuất lậu?... Xung quanh những vấn đề này, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long:

Diễn biến theo đúng kịch bản

Qua thời lướt sóng vàng? - Ảnh 1Thị trường vàng đã theo đúng kịch bản của cơ quan quản lý. Câu chuyện còn lại là quỹ đạo của vàng tới đây sẽ như thế nào, cả về giá với cơ chế kiểm soát hiện nay và cả về mục đích được sử dụng ra sao? Muốn điều hành tốt tỷ giá phục vụ nền kinh tế thì vàng là thị trường cần có sự kiểm soát tốt. Có thể coi đây là kết quả phản ánh sự thành công của các biện pháp quản lý thị trường vàng, đưa vàng về đúng vị trí cần thiết trong nền kinh tế. Nhưng diễn biến giá cả “có thể chỉ là tạm thời”, khó có thể duy trì xu hướng này trong cả năm vì thị trường này biến động khôn lường. Nếu nhìn ở góc độ quản lý, giá vàng trong nước thấp là cơ hội thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước cân nhắc mua vàng, tăng dự trữ quốc gia bằng vàng.

Ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch HĐTV Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam:

Giá trong nước có thể vẫn thấp hơn thế giới

Qua thời lướt sóng vàng? - Ảnh 2Sau chu kỳ 10 năm tăng giá 669% (từ năm 2001 - 2011), giá vàng thế giới từ 2011 - 2015 đã giảm khoảng 44,7% và từ đầu năm đến nay lại tăng 20% (hiện đang đứng ở mốc 1.271 USD/ounce - mức cao nhất trong hơn một năm nay, tính đến đầu giờ sáng 9/3). Đây là mức tăng khá cao và khá bất ngờ so với thời điểm giá vàng tăng mạnh từ tháng 7 - 8/2011 mà đỉnh cao nhất trong nhiều thập kỷ qua khi chạm mốc hơn 1.900 USD/once vào tháng 9/2011. Tính từ đầu năm đến nay, Quỹ đầu tư ủy thác vàng lớn nhất thế giới SPDR đã mua ròng 150,75 tấn vàng, tăng hơn 23% so với cuối năm 2015. Trong khi 3 năm trước đó (2013 - 2015), quỹ này đã bán ròng 575,15 tấn. Hiện, người giữ vàng vẫn sẽ tiếp tục nắm giữ, nhưng khi giá thế giới lên 1.300 USD/ounce, lực bán mạnh lên thị trường vàng thế giới sẽ có khả năng gia tăng khi nhà đầu tư bán chốt lời trạng thái. Tuy nhiên, về trung hạn, giá vàng và các loại hàng hóa khác sẽ khó tăng cao như thời điểm năm 2011, một phần do chỉ số USD tăng, kinh tế Mỹ hồi phục và khả năng tăng lãi suất USD từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ. Một phần do chính sách địa chính trị thay đổi, nguồn cung tăng làm dầu mỏ - loại hàng hóa gắn chặt nhất với USD giảm, khiến các nhà đầu tư tài chính sẽ chọn xu hướng giảm cho nhiều loại hàng hóa, trong đó có vàng.

Giá vàng trong nước đang biến động cầm chừng, theo tôi, với những người còn nợ vàng thì vùng giá 33 triệu đồng/lượng hoặc nhỉnh hơn một chút nên mua để trả nợ ngay. Riêng với nhà đầu tư chỉ nên mua chừng 20% trong vốn tự có của mình. Sau khi giá vàng trong nước thấp hơn giá vàng thế giới, đã thấy dấu hiệu tăng mua vào của các công ty vàng. Với mãi lực thị trường vàng ảm đạm, khả năng giá trong nước ngang bằng hoặc thấp hơn giá thế giới một chút là phù hợp. Hiện, chênh lệch giữa giá mua - bán vàng giảm còn 250.000 đồng/lượng, cộng với từ nhiều năm nay, Nhà nước không nhập khẩu vàng cũng đặt ra khả năng xuất lậu mặt hàng này. Nhưng điều quan trọng hơn cả là người dân đã không còn quan tâm, thậm chí là quay lưng với giá vàng. Hiện tại và trong tương lai gần, giá vàng trong nước có thể sẽ vẫn thấp hơn giá vàng thế giới.

TS Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính - ngân hàng:

Không còn là nơi trú ẩn

Qua thời lướt sóng vàng? - Ảnh 3Vàng từ mức đỉnh 48 triệu đồng/lượng giảm xuống 39 - 40 triệu đồng/lượng. Hơn một năm nay, giá vàng chỉ diễn biến theo chiều đi xuống, người nắm giữ vàng đã lỗ nặng. Giá vàng trong nước thấp một phần do tỷ giá giảm (quy đổi theo tỷ giá liên ngân hàng). Ngoài ra, một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay có tính toán, khi giá vàng thay đổi bất thường thì khoảng cách giữa giá mua vào và bán ra thường được bên mua nới ra. Điều này khiến cho người muốn lướt sóng vàng khó có cơ hội thu lời lớn. Chênh lệch âm giữa giá vàng trong nước - thế giới những ngày qua cho thấy, người dân không còn quá mặn mà với vàng. Hiện, nhu cầu mua vàng miếng để dự trữ của người Việt Nam còn rất ít. Những người có nhu cầu mua vàng chủ yếu là có ý định kinh doanh. Chính vì vậy, nguồn vàng nhập về ngày một nhiều, trong khi giá trong nước thấp hơn giá thế giới sẽ khiến thị trường vàng luôn trong trạng thái cung lớn hơn cầu. Hiện tại và trong tương lai gần, giá vàng trong nước có thể sẽ vẫn thấp hơn giá vàng thế giới. Nhưng nếu giá vàng thế giới đi xuống, tôi cho rằng mức chênh lệch này sẽ sớm tìm lại trạng thái dương.

Về nguy cơ thẩm lậu vàng ra ngoài biên giới, khả năng này có thể xảy ra nhưng ít, vì với chênh lệch trên dưới 100.000 đồng/lượng như hiện nay chưa nhiều để có thể bù đắp các chi phí. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn cần theo dõi chặt chẽ để kịp thời đưa ra những quyết sách hợp lý ngăn chặn tránhtác động tới tỷ giá, lạm phát…
Trước đó, trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện tượng "chảy máu vàng" qua biên giới đã xuất hiện. Tuy nhiên, thông tin từ phía công an, quy mô thực tế là rất nhỏ, không phải vàng nguyên liệu mà chủ yếu là các loại vàng nhẫn, bị cắt xén ra. Riêng đường chính ngạch, đối chiếu lại với Nghị định 24/NĐ - CP (chỉ cho xuất khẩu vàng nữ trang) và các chính sách về thuế có thể thấy, đây chưa phải là thời điểm thích hợp vì mức chênh còn quá nhỏ, chưa thể mang lại lợi nhuận cho DN.
Vàng trong nước giảm mạnh cùng thế giới
Giá vàng thế giới trong phiên giao dịch ngày 9/3 bất ngờ lao dốc hơn 20 USD/ounce, kéo giá vàng trong nước rớt mạnh xuống dưới vùng 34 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới liên tục có những phiên biến động mạnh mấy ngày qua. Trong khi đó, giá vàng trong nước lại không theo kịp. Giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá niêm yết vào khoảng 33,8 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước 130.000 đồng/lượng.