Mô hình 2 trong 1
Hai năm trở lại đây, cứ đến ngày 10 hàng tháng, trụ sở Trung tâm DS - KHHGĐ quận Ba Đình lại tấp nập hơn thường ngày. Bởi lẽ, đây là ngày chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh sản trên địa bàn quận được đến khám và tư vấn sức khỏe sinh sản miễn phí. Bà Nguyễn Thanh Hiếu – Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, những ngày đầu mới đưa mô hình vào hoạt động, người dân còn rất e dè do lo ngại khám ở Trung tâm không đảm bảo nên mỗi buổi chỉ có 10 – 15 người đến khám. Nhưng sau một thời gian, chị em người nọ mách người kia, cộng thêm sự vào cuộc tích cực của của hệ thống cộng tác viên đến từng nhà tuyên truyền và vận động, đến nay, số đối tượng đến khám tăng lên rõ rệt. Trung bình mỗi buổi khám có từ 40 – 50 người. Trong đó, không ít em gái trong độ tuổi vị thành niên, thanh niên đã tìm đến Trung tâm để tư vấn sức khỏe sinh sản. “Nhiều em đến với chúng tôi cái gì cũng biết nhưng lại chỉ biết sơ sơ hoặc hiểu sai vấn đề, khi được các cán bộ tư vấn thì như “vỡ” ra được nhiều điều” - bà Hiếu chia sẻ.
Quận Ba Đình luôn chú trọng các hoạt động tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ tuổi vị thành niên, thanh niên. Ảnh: Diệu Nga |
Trong đợt khám tháng 11 này, chị Vũ Tú Anh (29 tuổi, phường Ngọc Khánh) là một trong những người có mặt từ khá sớm. Chị Tú Anh cho biết, đây là lần thứ hai trong năm chị đến khám tại đây. Mỗi lần khám, chị đều đăng ký cả dịch vụ tư vấn, siêu âm, khám phụ khoa. Lần này, chị đăng ký thêm cả dịch vụ xét nghiệm tế bào âm đạo để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung với mức giá chỉ 50.000 đồng/lần do đã được Trung tâm trợ giá tới 60%. “Cùng làm các dịch vụ như thế này, ra phòng khám ngoài hay bệnh viện cũng phải mất từ 300.000 - 500.000 đồng mà lại phải chờ đợi, xếp hàng. Ở đây vừa được miễn phí lại sạch sẽ và không phải chờ đợi lâu” - chị Tú Anh cho biết. Đối với những người đến khám lần thứ 2 tại đây, ai cũng có chung chia sẻ như chị Tú Anh. Tuy nhiên, khám phụ khoa không phải tháng nào cũng khám nên để vận động những đối tượng đi khám lần đầu, các cộng tác viên của Trung tâm khá vất vả khi phải gõ cửa từng nhà để đón đối tượng đi khám rồi lại đưa về. Ấy vậy nhưng ai cũng đều vui vẻ và nhiệt tình với công việc “vác tù và hàng tổng” này.
Bà Hiếu chia sẻ, mô hình này vừa có thể chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ trên địa bàn, vừa tuyên truyền cho chị em các chương trình của dân số như tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, vai trò của tầm soát trước sinh và sơ sinh… “Đây thực sự là một mô hình 2 trong 1 đem lại hiệu quả cao cho công tác DS của quận” - bà Hiếu nhấn mạnh.
Tuyên truyền gắn với thực tế
Song song với mô hình 2 trong 1, hàng loạt chương trình, chiến dịch truyền thông về DS đã được Trung tâm thực hiện gắn liền với thực tế. Trong đó, phải kể đến chương trình khám sàng lọc khiếm thính cho trẻ em sinh sống trên địa bàn. Nếu năm 2015, 100% trẻ em lứa tuổi mầm non của các trường trong quận đều được khám sàng lọc khiếm thính miễn phí, thì tính đến hết tháng 9 năm 2016 đã có hơn 2.500 học sinh khối cấp 1 của các trường tiểu học trên địa bàn được khám miễn phí. Nhờ vậy, 67 trường hợp nghi ngờ nghe kém đã được phát hiện và được gia đình đưa đi khám chuyên sâu.
Bên cạnh đó, các buổi sinh hoạt chuyên đề về giới tính đã được tổ chức tại hơn 20 trường cấp 2, cấp 3 với sự tham dự của hơn 1.000 học sinh. Năm nay, thay vì cách truyền thông đại trà vào các buổi sinh hoạt tập thể của cả trường, Trung tâm đã thay đổi cách truyền thông, hướng đến các nhóm nhỏ để đem lại hiệu quả cao hơn. Mỗi buổi nói chuyện, các tình huống cụ thể gắn với thực tế được đem ra làm ví dụ, thu hút sự hưởng ứng của các em học sinh.
Ông Tạ Quang Huy – Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ nhận xét, không phải là đơn vị dẫn đầu về các chỉ tiêu DS, vậy nhưng với sự nỗ lực của các cán bộ Trung tâm và sự nhiệt tình, trách nhiệm của đội ngũ cộng tác viên, công tác DS của quận Ba Đình đã nhiều năm liền duy trì ổn định mức sinh, tỷ số giới tính khi sinh, giảm tỷ lệ sinh con thứ ba…, xứng đáng là một điểm sáng trong công tác DS trên địa bàn Thủ đô.