KTĐT - Thời buổi của thẻ ATM, các bà vợ đã tìm ra các “chiêu” để kiểm soát thu nhập của chồng. Chị Mai Hoa - vợ của một giáo viên trung tâm dạy nghề tiết lộ: “Anh ấy đi dạy ở trường, lương và thưởng đều có một mức nhất định”.
Anh Minh Thông - một công chức ở huyện Thường Tín (Hà Nội) bày tỏ: “Trước đây, khi chưa có thẻ, hàng tháng, tôi vẫn đưa lương cho vợ. Từ khi có thẻ, cô ấy nghĩ tôi có thêm khoản “huyền bí” nằm trong cái “miếng nhựa” ấy nên thay vì nhận tiền hàng tháng, cô ấy giao cho tôi chi trả nhiều khoản trong gia đình khiến mấy tháng nay tôi bị “đội sổ”.
Thời buổi của thẻ ATM, các bà vợ đã tìm ra các “chiêu” để kiểm soát thu nhập của chồng. Chị Mai Hoa - vợ của một giáo viên trung tâm dạy nghề tiết lộ: “Anh ấy đi dạy ở trường, lương và thưởng đều có một mức nhất định”.
Như vậy, mang tiếng có thẻ, có mã số bí mật, nhưng mọi “ngóc ngách” trong thẻ của chồng, chị Hoa còn rõ hơn thẻ của mình. Và để an tâm, bao giờ chị Hoa cũng lấy thẻ của chồng, chuyển đổi thành tiền rồi phát tiền mặt cho chồng tiêu vặt.
Vì thế, chồng chị Hoa đã phải thốt lên: “Đúng là mèo lại hoàn mèo, hồi cơ quan mới phổ biến chuyển lương qua thẻ, tôi rất vui và nghĩ sẽ mở cho vợ một thẻ phụ, nhưng kế hoạch chưa thành đã… trắng thẻ”.
Theo Tiến sĩ xã hội học Trịnh Hoà Bình, Viện Khoa học xã hội VN: “Thực chất, việc quản lý thẻ của các bà vợ chỉ nhằm vào việc giữ gìn hạnh phúc và kinh tế gia đình. Nỗi lo duy nhất của các bà vợ là có thẻ mà không cho vợ quản lý thì các ông chồng sẽ phóng tay tiêu xài, hết tiền là rút, thậm chí còn lập “phòng nhì”, nuôi “bồ nhí”.
Do vậy, để chiếc thẻ “vô tội” kia tránh gặp phải những nguy cơ, việc chi tiêu trong gia đình thời @ cũng cần có những nguyên tắc nhất định. Đó chính là sự trung thực, có trách nhiệm và tin tưởng lẫn nhau.
Trong cuộc sống vợ chồng, chỉ có tình yêu thương mới làm nên nguyên tắc này và nó chính là phép màu biến “riêng” thành “chung” và hoá giải mọi tình huống của thời cuộc”.