Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quán Đa Sỹ và dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Người ta vẫn quen gọi quán Lâm Dương ở thôn Đa Sĩ (xã Kiến Hưng, quận Hà Đông) là chùa Đa Sĩ.

KTĐT - Người ta vẫn quen gọi quán Lâm Dương ở thôn Đa Sĩ (xã Kiến Hưng, quận Hà Đông) là chùa Đa Sĩ.

Quán được xây cạnh miếu thờ Hoàng Đôn Hòa và phu nhân, là ông Tổ thuốc nam cuối thế kỷ XVI. Đầu năm Chính Hòa nguyên niên (1680), quán được gọi là chùa, cho nên hệ thống tượng thờ có cả tượng Phật và tượng Thánh.


Mở đầu bàn thờ chính là bộ tượng Tam thánh gồm Nguyên Thủy tiên tôn ở giữa, Lĩnh Bảo Đạo quân bên trái và Thái Thượng Lão Quân bên phải. Cả ba pho tượng đều giống người thật, mặt hơi dài, mắt mở to tự nhiên, tóc búi, áo mặc nhiều lớp, có cánh tay thụng. Tượng thể hiện con người nhàn tảng vô lo. Bệ tượng hình vuông chia ba lớp, lớp giữa thót lại, trên mặt đứng của thành bệ được chạm nổi mây cụm, lá sồi và những lá đề chứa trong lòng cây "Thiên mệnh", những ụ tròn nổi và những hạt lửa tỏa lan… thường gặp ở thế kỷ XVI và đầu thế kỷ XVII. Ở hai gian bên trái và phải có hai pho tượng Quan Âm tọa sơn, đội mũ thiên quan có những hoa nổi khối, áo buông dài, chảy… được chạm kênh bong với nhiều nét điển hình gắn với phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII.


Hai bên còn có hai tượng Lão Đam và Ngũ Nhạc, những tượng này mang hình thức võ tướng, ngồi buông thõng, đầu đội mũ, chân đi hia được thể hiện liền bệ, chạm nổi hoa văn xoắn như tượng Tam Thánh. Ngoài ra còn có nhiều tượng hậu ghi nhớ những người có công tôn tạo. Quán Lâm Dương đã có mặt ở Đa Sĩ ít nhất từ thế kỷ XVII, mỗi lần tu sửa lại lưu giữ lại một dấu ấn như các bia hậu Phật dựng năm Chính Hòa 6 (1685), năm Bảo Thái 5 (1724), cây hương đá cao 2,15m dựng năm Cảnh Hưng 1 (1740), đặc biệt có một tấm bia "Hưng Tạo Lâm Dương quán bia" dựng năm Vĩnh Tộ 10 (1628), cùng với tấm bia này còn có một án quan cũng được làm vào thời Vĩnh Tộ, do một vị án quan trong triều cung tiến.


Bẵng đi một thời gian dài, đến năm Bảo Đại 10 (1935), có một tấm bia ghi lần trùng tu nữa. Cho nên quán Lâm Dương ngày nay mang đậm phong cách thời Nguyễn. Đó là cổng tam quan cao 10m có bốn cột đồng trụ, cửa xây cuốn vòm với ba lớp mái đao cong. Bái đường 5 gian theo lối kết hợp giá chiêng chồng giường con nhị không có hoa văn trang trí. Bên trong có cửa võng, chạm thủng kênh bong, rồng chầu mặt nguyệt, hoa phù dung, hoa lựu, mẫu đơn… đường nét chạm mềm mại, ngoài ra còn có nhà Tổ, nhà Điện, Tả vu, Hữu vu, nhà bếp tạo thành một quần thể kiểu kiến trúc hoàn chỉnh khép kín theo kiểu "nội công ngoại quốc".


Nhìn chung, quán Lâm Dương được dựng khá quy mô với đầy đủ các hạng mục công trình, lại bảo lưu được nhiều di vật quý như: hệ thống bia đá và án gian thời Lê, chuông đồng thời Tây Sơn, nhất là hệ thống tượng Phật và tượng Thánh mang dấu ấn của đạo Phật.