Quận Đống Đa: Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng sau chỉnh trang tuyến phố văn minh đô thị

Nguyên Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND quận Đống Đa, BCĐ 197 đã xây dựng kế hoạch chung và các kế hoạch chuyên đề nhằm thực hiện có hiệu quả công tác thực hiện chỉnh trang tuyến phố văn minh đô thị. Không mái che, mái vẩy; không lấn chiếm vỉa hè; các cửa hiệu được lắp đặt đúng quy cách; vỉa hè được lát đá phong quang, sạch đẹp… là những hình ảnh trên tuyến đường Khâm Thiên, Thái Hà, Huỳnh Thúc Kháng, Tây Sơn và Nguyễn Lương Bằng... sau thời gian thực hiện chỉnh trang tuyến phố văn minh đô thị.

Nhân rộng những tuyến phố văn minh
Để thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021-2025” và Chỉ thị số 09-CT/QU ngày 1/9/2021 của Quận uỷ Đống Đa về “Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý trật tự văn minh đô thị, chỉnh trang đồng bộ các tuyến phố trên địa bàn quận”, UBND quận Đống Đa đã xây dựng kế hoạch chung và các kế hoạch chuyên đề nhằm thực hiện có hiệu quả. Đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ quận tới cơ sở trong thực hiện.
 Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định trực tiếp kiểm tra công tác chỉnh trang đô thị trên tuyến phố Khâm Thiên.
Trước đây, tuyến phố Khâm Thiên – Nguyễn Lương Bằng - Tây Sơn thường được biết đến là phố nhỏ, nhếch nhác, thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm. Tuy nhiên, sau khi được cải tạo, đến nay tuyến phố này đã khang trang, thông thoáng hơn trước. Toàn bộ hệ thống đường dây điện, viễn thông được hạ ngầm cùng vỉa hè đạt chuẩn, đồng bộ cây xanh, hệ thống chiếu sáng thì khu vực này đã có những thay đổi về cảnh quan, môi trường, không gian an toàn, thuận tiện cho người tham gia giao thông.
Hay như nói đến phố Thái Hà (đoạn từ Hoàng Cầu đến Láng Hạ), người ta hay nhắc đến một mương nước thải ô nhiễm, nơi tập kết đủ loại phế thải gây mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị. Vậy nhưng, bắt đầu từ 2020, với dự án lát đá và tạo cảnh quan, vỉa hè nơi đây đã được trả lại đúng chức năng vốn có. Theo đó, ngoài việc lát đá, trồng cây khép tán, bụi hoa tại phần giáp với bó vỉa, trên vỉa hè tuyến đường còn bố trí một làn đường dành riêng cho người đi bộ rộng hơn 1m. Từ đó, việc lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán, vi phạm trật tự đô thị đã giảm rõ rệt. Điều này cũng góp phần nâng cao chất lượng sống đô thị cũng như tạo sự đồng thuận trong Nhân dân.
Tiếp nối kết quả đã đạt được trên phố Thái Hà, quận Đống Đa đã tiến hành chỉnh trang vỉa hè tại phố Huỳnh Thúc Kháng và đến nay các hạng mục cơ bản đã hoàn thành. Tuyến phố Huỳnh Thúc Kháng vốn chật chội, đông đúc xe cộ nay cũng trở nên xanh hơn với hàng thảm cỏ trải dài từ đầu đến cuối phố. Biện pháp này không những đem lại hiệu quả thiết thực trong việc tạo điểm nhấn, cảnh quan đô thị mà còn hạn chế được nhiều hành vi vi phạm trật tự đô thị và tạo điều kiện cho người đi bộ di chuyển an toàn.
Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định cho biết, quận Đống Đa có 80 tuyến phố, trong đó có 2 tuyến đường vành đai và 5 trục phố xuyên tâm, hạ tầng kỹ thuật cơ bản chưa đáp ứng được yêu cầu so với sự phát triển về kinh tế xã hội. Gian đoạn từ 2017 - 2021, UBND quận đã từng bước rà soát, đánh giá hiện trạng, tập trung đầu tư xây dựng lát đá vỉa hè, chỉnh trang đô thị tại các tuyến đường Chùa Bộc - Thái Hà - Huỳnh Thúc Kháng, Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng - Tây Sơn, Nguyễn Khuyến, Văn Miếu, Khâm Thiên. Thực hiện đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, văn minh đô thị, văn minh thương mại và đảm bảo các tiêu chí công nhận tuyến phố văn minh đô thị. Từ đó làm mô hình mẫu để nhân rộng ra các tuyến phố khác trên địa bàn. Trước mắt, trong năm 2022 là tại 2 tuyến phố Nguyễn Chí Thanh và Trịnh Hoài Đức.
  Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định trực tiếp kiểm tra công tác chỉnh trang đô thị trên tuyến phố Tây Sơn.
Tăng cường kiểm tra, giám sát sau chỉnh trang
Để phát huy hiệu quả hơn nữa sau chỉnh trang tại các tuyến phố, thời gian gần đây, quận Đống Đa đã áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm tra, thông báo vi phạm và công tác xử lý vi phạm trật tự đô thị để kịp thời nắm bắt, xử lý, không để vi phạm kéo dài. 
Theo đó, khi phát hiện vi phạm, các thành viên đăng hình ảnh lên nhóm mạng Zalo kèm theo yêu cầu xử lý. Qua đó, các vi phạm được xử lý trực tiếp, giảm bớt các khâu trung gian, đảm bảo kịp thời, chính xác. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác quản lý trật tự đô thị và ý thức của Nhân dân. Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp quận xử lý vụ việc trên địa bàn nhanh chóng, cả trong ngày nghỉ. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo 197 quận đã khảo sát, lắp đặt hệ thống camera trên các tuyến phố, nơi công cộng nhằm hỗ trợ phát hiện hành vi vi phạm và làm căn cứ xử lý hiệu quả các vụ việc.
Theo Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định, với những nỗ lực và quyết tâm của hệ thống chính trị từ quận tới cơ sở mà thời gian qua, tình trạng chiếm dụng lòng đường, hè phố để kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện trái phép trên địa bàn quận đã giảm rõ rệt. Quận cũng duy trì việc sắp xếp phương tiện gọn gàng theo quy định của TP; giải tỏa nhiều chợ cóc hoạt động lâu năm trong các ngõ, ngách, sân tập thể gây mất trật tự, mất mỹ quan đô thị và từng bước xây dựng văn minh đô thị trên địa bàn quận.
Để phát huy hiệu quả các mặt đã được, bên cạnh việc tăng cường quản lý, giám sát thông qua việc ban hành các Chỉ thị, Đề án, quận Đống Đa đặc biệt chú trọng vai trò tham gia, đóng góp của cộng đồng trong công tác thực hiện, giám sát sau thực hiện chỉnh trang. Trong đó, ưu tiên phát huy các sáng kiến phù hợp tại cộng đồng nhằm tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, ý thức tự giác thực hiện các tổ chức, người dân trong việc cải thiện môi trường và nếp sống đô thị.
 Tuyến phố Thái Hà sau khi được chỉnh trang.
Có thể thấy, đảm bảo trật tự đô thị là công việc không phải chỉ làm trong một sớm, một chiều hay trong các đợt cao điểm mà cần phải thường xuyên liên tục. Từ mô hình của quận Đống Đa cho thấy, muốn giữ vững duy trì hiệu quả trên các tuyến phố đã được chỉnh trang, chống tình trạng tái lấn chiếm trở lại đòi hỏi chính quyền các địa phương phải có các giải pháp đồng bộ từ tuyên truyền đến việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.