Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quận Hà Đông: Đảm bảo trật tự đô thị, vẫn khó xử lý người bán hàng rong

Bài và ảnh Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sau một tuần triển khai ra quân xử lý trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, nhiều tuyến phố của Hà Đông đã phong quang, trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Tuy nhiên, điểm khó xử lý nhất vẫn là những người bán hàng rong.

Nhiều tuyến phố được lập lại trật tự

Ngày 4/3, UBND quận Hà Đông đã phát động đợt ra quân lập lại trật tự công cộng đô thị (TTCCĐT), trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đồng loạt ở 17 phường. Trong tuần đầu, các lực lượng của quận bao gồm: Chủ tịch UBND, phó Chủ tịch UBND quận, các phường; Cảnh sát Giao thông, các ban, ngành đoàn thể từ quận đến phường, tổ dân phố đồng thời vào cuộc.
 Tuyến phố Quang Trung tại Hà Đông đã được phong quang, xe tại các cửa hàng kinh doanh được sắp xếp ngăn nắp.
Tuần đầu quận Hà Đông tập trung tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân đối với việc đảm bảo TTCCĐT, TTATGT. Công tác tuyên truyền đợt này của Hà Đông cũng có những điểm mới, đó là: Chủ tịch UBND quận có thư ngỏ gửi đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn, với 5 nội dung vì một “Hà Đông văn minh hiện đại, sáng-xanh-sạch-đẹp”. Theo đó, Chủ tịch UBND quận đã đề nghị mọi cơ quan, đơn vị, cá nhân bằng những hành động thiết thực, chung tay cùng các cấp chính quyền đảm bảo TTCC, giữ mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường.

Theo chia sẻ của Thiếu Tá Vũ Tuấn Anh, Đội phó Đội CSGT trật tự cơ động Hà Đông: Để đảm bảo lập lại TTĐT cơ quan Công an đã tham mưu cho quận lập danh sách 4.445 hộ kinh doanh trên địa bàn. Trên cơ sở đó, phân loại ra 3,853 hộ kinh doanh có ý thức chấp hành và 592 hộ thiếu ý thức hay lấn chiếm lòng, hè đường làm nơi kinh doanh buôn bán. Từ đó, có biện pháp tuyên tuyền và xử lý dứt điểm.
Ngày 10/3, Hà Đông đã đồng loạt ra quân ở 17 phường tiếp tục tuyên truyền và thực hiện biện pháp xử lý các vi phạm TTCCĐT, TTATGT. Theo ghi nhận của phóng viên, sau một tuần tuyên truyền nhắc nhở, và ngày đầu xử lý vi phạm nhiều tuyến phố của Hà Đông đã phong quang, sạch đẹp, tạo thuận lợi cho người đi bộ. Các địa phương đã tập trung lực lượng, phương tiện phá dỡ biển quảng cáo, mái che, mái vẩy, bục bệ… lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.
 Ngày 10/3 quận Hà Đông tiếp tục tuyên truyền vận động và xử lý vi phạm TTCCĐT
Theo báo cáo của quận, trong 1 tuần các cơ quan chuyên môn của quận và phường đã lập biên bản xử lý 12 trường hợp vi phạm lấm chiếm lòng đường, vỉa hè, dừng đỗ xe sai quy định, tháo dỡ gần 120 mái che, mái vẩy, mái hiên di động, phông bạt; phá dỡ 420 bục bệ; dọn gần 250 chậu cây, thùng xốp; thu giữ hàng trăm biển quảng cáo, bàn ghế, hàng hóa, giá đỡ …

Khó xử lý người bán hàng rong

Đây là nhận định của Thiếu Tá Vũ Tuấn Anh. Theo đó, toàn bộ những hộ kinh doanh có hộ khẩu, có cửa hàng thì không thiếu những biện pháp xử lý khi họ lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Tuy nhiên, những người bán hàng rong từ xe thồ, xe đạp, quang gánh có thể di chuyển khắp các tuyến phố. Những đối tượng này bị xử phạt 150.000 đồng/lần vi phạm. Chế tài xử lý không đủ mạnh để răn đe.

Quận cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại các khu vực người dân hay tụ tập kinh doanh, như gần cổng các chợ, trung tâm vườn hoa, tuyến phố chính, … nơi đông người qua lại.

 Trước cổng chợ Hà Đông trước đây bày bán hàng hóa lấn chiếm hết hè đường,

nhưng nay đã phong quang, sạch sẽ.

 Tuy nhiên, ở một góc phố khác củ chợ đã xuất hiện những gánh hàng rong

sau khi lực lượng chức năng đi qua.

Hà Đông xây dựng cụ thể khoảng 50 tuyến phố thực hiện; thời gian tăng cường đến 20/3. Sau 20/3 quận sẽ thành lập đoàn kiểm tra các tuyến phố đã giao việc bằng phiếu quản lý từng tuyến phố, số nhà đến từng cá nhân là lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn; Chủ tịch và phó Chủ tịch UBND các phường; Trưởng – Phó và chiến sỹ công an các địa phương. Nếu địa phương, cá nhân nào để xảy ra tình trạng vi phạm và tái lấn chiếm sẽ bị xử lý kỷ luật theo từng mức độ khác nhau.

Theo kiến nghị của quận, cũng như cơ quan Công an Hà Đông, hiện nay nhiều tuyến phố trên địa bàn không có đủ các biển báo cấm dừng đỗ xe, sơn kẻ vạch chỉ dẫn, và thiếu chỗ dừng đỗ nên khiến cho nhiều chủ phương tiện dừng đỗ không đúng nơi quy định. Đây là vấn đề cần có sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn TP để các tuyến phố ở Hà Đông không còn tình trạng dừng đỗ xe sai quy định.