Quận Hai Bà Trưng: Thực hiện tốt công tác quản lý an toàn thực phẩm

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù quản lý 3.785 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trải rộng trên địa bàn 20 phường và 3 chợ hạng I, II nhưng những năm qua, UBND quận Hai Bà Trưng luôn được TP Hà Nội đánh giá cao trong công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP).

 Lễ cấp Biển nhận diện cho 9 cơ sở kinh doanh trái cây tiêu biểu đảm bảo ATTP tại quận Hai Bà Trưng.
Thành công này có được nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành và đặc biệt là phối hợp chặt chẽ từ quận đến các phường, góp phần hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.
Đơn vị xuất sắc của Thành phố

Năm 2017, thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành về quản lý ATTP, quận Hai Bà Trưng đã kiện toàn Ban Chỉ đạo (BCĐ) ATTP cấp quận, cấp phường do Chủ tịch UBND quận và Chủ tịch UBND các phường là Trưởng ban; phân công trách nhiệm quản lý về ATTP, quy chế hoạt động, phân công thành viên phụ trách từng phường, từng địa bàn dân cư. Quận đã phối hợp tốt với các sở, đoàn liên ngành kiểm tra ATTP TP tổ chức thực hiện tốt công tác ATTP; kiểm tra đột xuất, phát sinh theo chỉ đạo của T.Ư, TP, theo báo nêu, phản ánh của người dân...
Năm 2017, quận cũng được đoàn công tác của TP chấm điểm, đánh giá xếp loại xuất sắc trong công tác ATTP; có 1 cá nhân và 1 tập thể được TP tặng bằng khen có thành tích xuất sắc trong tổ chức, chỉ đạo, triển khai “Tháng hành động vì ATTP” và phòng, chống ngộ độc rượu do Methanol. UBND quận đã khen thưởng 24 tập thể, 52 cá nhân có thành tích xuất sắc trong quản lý ATTP năm 2017.

Năm qua, quận đã triển khai hiệu quả các kế hoạch đảm bảo ATTP, chương trình “Chung tay vì ATTP”, phong trào thi đua “ATTP”; ký cam kết sử dụng rau, củ, quả và thực phẩm an toàn; triển khai những địa điểm kinh doanh rau, củ, quả, thực phẩm an toàn; mô hình ATTP tại tuyến phố văn minh Triệu Việt Vương; tăng kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y...
Thực hiện tốt truyền thông giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATTP, quận đã tổ chức thành công Hội thi “Tuyên truyền thực thi pháp luật về ATTP; phối hợp với Thanh tra Bộ, Sở Y tế tổ chức 3 lớp tập huấn quy định pháp luật về ATTP; nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ năng kiểm tra, giám sát, lập biên bản, xử lý vi phạm… cho thành viên BCĐ ATTP quận, phường, lãnh đạo và cán bộ y tế, người phụ trách bếp ăn cơ quan, DN, cơ sở giáo dục, BQL chợ, với 750 người tham dự. Đồng thời, tổ chức 3 lớp tập huấn phổ biến quy định pháp luật về ATTP và ký cam kết ATTP cho lãnh đạo công ty, đại diện hộ kinh doanh sản xuất, chế biến thực phẩm; 6 hội thảo về ATTP; tập huấn cho cán bộ, giáo viên về đảm bảo ATTP tại trường…

Trong năm qua, UBND quận cũng đã chỉ đạo UBND các phường, BQL chợ, cơ sở giáo dục ký cam kết tới các hộ kinh doanh sản phẩm gia súc, gia cầm không kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc; các cơ sở giáo dục thực hiện quy định về ATTP... Toàn quận đã cấp xác nhận kiến thức ATTP cho 2.136 chủ cơ sở, người trực tiếp sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm thuộc ngành y tế, 335 người ngành công thương, 126 người ngành nông nghiệp.
Đặc biệt, quận đã rút ngắn thủ tục “Cấp giấy xác nhận kiến thức về ATTP” từ 13 ngày còn 11 ngày làm việc; kiểm tra, giám sát 5.740 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó xử phạt 418 cơ sở với trên 1,5 tỷ đồng, tạm dừng 90 cơ sở.

Duy trì triển khai thực hiện mô hình điểm ATTP tại phường Lê Đại Hành, Bùi Thị Xuân và các bếp ăn tập thể thuộc cơ sở giáo dục giai đoạn 2016 - 2018, kết quả đến tháng 12/2017, có 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm phường Lê Đại Hành, Bùi Thị Xuân và các bếp ăn tập thể tại các cơ sở giáo dục thuộc quận được quản lý. Nhất là, không có vụ ngộ độc thực phẩm lớn, bệnh truyền qua thực phẩm tại 2 phường và bếp ăn tập thể của các cơ sở giáo dục thuộc quận.

Siết chặt quản lý cửa hàng kinh doanh trái cây

Cũng nhằm đưa công tác quản lý và kiểm soát ATTP trên địa bàn vào quy củ, thực hiện quyết định của UBND TP về “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của TP Hà Nội”, ngày 16/10/2017, UBND quận đã ban hành Kế hoạch 211 triển khai thực hiện Đề án, giao Phòng Kinh tế triển khai, hướng dẫn các phường theo biểu mẫu của Sở Công Thương. Theo rà soát, có 112 cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn quận, trong đó, 100% cơ sở có đăng ký kinh doanh, 79% cơ sở đã được cấp các loại giấy tờ về ATTP, 84% người được khám sức khỏe định kỳ...

Phòng Kinh tế đã phối hợp cùng các phòng, ngành kiểm tra việc triển khai thực hiện Đề án tại UBND 20 phường và các cơ sở kinh doanh được UBND phường đề xuất cấp biển logo nhận diện đợt I/2017.
Sau khi rà soát, kiểm tra thực tế, Tổ công tác của quận phối hợp với đại diện Sở Công Thương đã chọn ra 9 cơ sở kinh doanh trái cây tiêu biểu đảm bảo ATTP theo yêu cầu của Đề án và ngày 22/12/2017 tổ chức cấp biển nhận diện cho các cửa hàng gồm: Sói Biển 4 (số 65 Trần Nhân Tông, phường Nguyễn Du); Klever Fruits (196 Bà Triệu, phường Nguyễn Du); Bác Tôm (551 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy); Mai’s (T8 Timecity, phường Vĩnh Tuy); Bác Tôm (6 Nguyễn Công Trứ, phường Phạm Đình Hổ); Cửa hàng luôn tươi sạch (106 E3 Lê Thanh Nghị, Tập thể Bách Khoa, phường Bách Khoa); Trần Thùy Trang (106 Lê Thanh Nghị, phường Bách Khoa), Nguyễn Thị Huyền Trang (27 Nguyễn Đình Chiểu, phường Lê Đại Hành). Ngay sau lễ cấp biển nhận diện, UBND quận đã thực hiện gắn biển tại 2 cửa hàng là Sói biển 4 (số 65 Trần Nhân Tông, phường Nguyễn Du) và Mai’s (T8 Timecity, phường Vĩnh Tuy).

Được biết, trong đợt I/2017, quận Hai Bà Trưng có số lượng cơ sở kinh doanh trái cây được cấp biển nhận diện đảm bảo an toàn lớn nhất trong 12 quận của TP. Quận phấn đấu đến tháng 3/2018, có 90% cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, treo biển nhận diện; hết năm 2018 sẽ hoàn thành theo yêu cầu của TP.
Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Kinh tế quận Nguyễn Hoa Thắng, khó khăn của quận là UBND các phường chưa có cán bộ chuyên trách về ATTP lĩnh vực công thương; công tác khảo sát, điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp thông tin chưa được quan tâm. Để thực hiện tốt Đề án, Phòng đề nghị Sở Công Thương ban hành các quy định kiểm tra xử phạt các cơ sở kinh doanh trái cây không đáp ứng yêu cầu hoặc không tham gia Đề án; tổ chức tập huấn cho cán bộ UBND phường để nâng cao trình độ quản lý chất lượng ATTP, nhất là chất lượng trái cây theo yêu cầu của Đề án.q

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần