Chính phủ Đức không phủ nhận điều này vì nó là tài liệu chính thức của chính phủ Đức cung cấp cho quốc hội. Những công bố này đẩy chính phủ Đức vào tình thế khó xử vì như thế đâu có khác gì bóc trần tính hai mặt của chính sách của chính phủ Đức đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Thủ tướng Merkel và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. |
Xưa nay, các nước Phương Tây, trong đó có Đức, luôn tỏ thái độ rất cứng rắn đối với tất cả các quốc gia, tổ chức và cá nhân bị coi là có liên hệ với khủng bố, chứ chưa nói đến dung túng và hậu thuẫn khủng bố như đánh giá của chính phủ Đức về Thổ Nhĩ Kỳ. Chỉ cần nhìn vào việc Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng để thực hiện ý đồ chiến lược ở Syria là lật đổ tổng thống Syria Bashir al-Assad và ở trong nước là trấn át người Kurd thì đã đủ để thấy đánh giá của chính phủ Đức hoàn toàn có cơ sở.
Thổ Nhĩ Kỳ chơi con bài hai mặt như thế nào với IS thì Đức và chắc chắn cả nhiều nước Phương Tây nữa cũng theo đuổi chính sách hai mặt với Thổ Nhĩ Kỳ. Nước này là thành viên Nato, lại ở vị trí địa chiến lược quan trọng độc nhất vô nhị trong cuộc chiến chống khủng bố và những lực lượng Hồi giáo cực đoan ở khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh. Trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ có căn cứ quân sự của Mỹ và NATO, ở đó thậm chí còn có cả vũ khí hạt nhân của Mỹ. Về phương diện quân sự và chính trị an ninh khu vực, Mỹ và Đức hay những đồng minh khác của họ cần Thổ Nhĩ Kỳ nhiều hơn là ngược lại. Chính phủ Đức còn phải dựa vào Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết vấn đề người tỵ nạn. Vì thế mới có chuyện chính sách lá mặt, lá trái. Vì cách tiếp cận lợi ích thực dụng nên nguyên tắc là không theo nguyên tắc nào.