Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quan hệ quốc tế: Cơ hội cho người giỏi ngoại ngữ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo quy chế mới của Bộ GD&ĐT, Ngoại ngữ là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2015. Điều này mở ra nhiều hy vọng nghề nghiệp cho học sinh chuyên ngữ. PGS.TS Phạm Minh Sơn – Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế (QHQT), Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, Quan hệ quốc tế là ngành để các bạn giỏi ngoại ngữ lựa chọn.

Quan hệ quốc tế: Cơ hội cho người giỏi ngoại ngữ - Ảnh 1
QHQT đang là một trong những ngành đắt giá của Học viện Báo chí và Tuyên truyền phải không, thưa ông?

- Những năm qua, QHQT được nhiều bạn trẻ lựa chọn và là một trong những ngành có điểm đầu vào tương đối cao trong Học viện. Điều này cũng dễ hiểu bởi sức hấp dẫn của ngành này trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; sự giao lưu, trao đổi, học hỏi giữa người dân Việt Nam với các nước trên thế giới không ngừng mở rộng.

Cơ hội việc làm cho sinh viên ngành QHQT như thế nào, thưa ông?

- Ngành QHQT gồm 2 chuyên ngành: Quan hệ chính trị - truyền thông quốc tế và Thông tin đối ngoại. Sau khi tốt nghiệp, người học có thể đảm đương các công việc đối ngoại, thông tin đối ngoại và hợp tác quốc tế phù hợp tại các bộ, ngành T.Ư, địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp và các DN; các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ; hoặc thực hiện các chức trách đòi hỏi sự hiểu biết cơ bản, hệ thống kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ QHQT, đối ngoại, thông tin đối ngoại, báo chí, truyền thông quốc tế. Đồng thời có thể tự học để nâng cao trình độ hoặc tiếp tục được đào tạo ở trình độ sau ĐH.

Đào tạo ngành QHQT ở Học viện có gì khác so với các cơ sở đào tạo QHQT khác?

- Đào tạo ngành QHQT ở Học viện cũng phải tuân thủ những yêu cầu cơ bản đối với ngành này mà Bộ GD&ĐT đòi hỏi. Bên cạnh đó, trong nội dung chương trình đào tạo có một số điểm khác biệt, thể hiện nét đặc thù: Một là tăng cường các kiến thức và kỹ năng về đối ngoại công chúng, trước hết là đối ngoại Đảng, đối ngoại Nhân dân và ngoại giao công chúng của Nhà nước. Điều này xuất phát từ việc Học viện vừa là trường ĐH nhưng đồng thời cũng là trường Đảng, thực hiện các nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao. Vì vậy, khi đào tạo ngành QHQT cũng phải dựa trên những đặc thù đó, hướng đến đào tạo đội ngũ cán bộ đối ngoại cho Đảng, Nhà nước và các đoàn thể.

Hai là, kiến thức và kỹ năng về báo chí đối ngoại, truyền thông quốc tế chiếm khối lượng tương đối lớn trong nội dung chương trình. Việc này cũng xuất phát từ đặc thù của Học viện nên ngành QHQT cũng mang dấu ấn của báo chí - truyền thông. Ngoài ra, mảng ngoại ngữ chuyên ngành, cụ thể là tiếng Anh cũng rất được chú trọng với thời lượng tương đối nhiều để giúp người học nâng cao khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh trong công việc. Những đặc thù trên chính là thế mạnh trong đào tạo ngành QHQT của Học viện.

Như vậy, ngoại ngữ là yếu tố quan trọng quyết định thí sinh đó có nên theo đuổi ngành học này hay không?

- Đúng vậy. Đây là yêu cầu thiết yếu trong quá trình đào tạo sinh viên ngành QHQT. Bạn nào càng giỏi ngoại ngữ càng có lợi thế. Đối với các bạn giỏi ngoại ngữ, yêu thích môi trường học tập, rèn luyện năng động, độc lập, sáng tạo thì ngành QHQT sẽ là lựa chọn tốt để thể hiện mình và bứt phá trong nghề nghiệp.

Xin cảm ơn ông!