Diễn đàn này được coi là sự kiện quốc tế có ý nghĩa lớn góp phần đề ra những giải pháp bền vững giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Là diễn đàn toàn cầu uy tín bàn luận về những vấn đề kinh tế-phát triển và thời sự thế giới, Diễn đàn Davos năm nay tập trung vào chủ đề "Lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm" nhằm đề cao vao trò quản trị toàn cầu trong việc đối phó với những thách thức trong thời kỳ mới.
Thực tế cho thấy trong vài năm trở lại đây, thế giới đã chứng kiến nhiều xu hướng tiêu cực như bất bình đẳng kinh tế, phân cực xã hội và những hiểm họa môi trường khó lường gây ảnh hưởng đến đời sống và kinh tế người dân, tác động tới sự gắn kết xã hội và uy tín của các nhà hoạch định chính sách.
Kinh tế thế giới đã phục hồi sau thời gian dài suy thoái nhưng tăng trưởng còn chậm và mong manh. Bất ổn an ninh và nguy cơ khủng bố ngày càng hiện hữu và đe dọa mọi quốc gia.
"Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư," vốn là chủ đề chính của Diễn đàn Davos năm 2016, dù tạo ra những khả năng hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đối với các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của các nước thế giới, song cũng tiềm ẩn các mối đe dọa lớn; trong đó có mối đe dọa về việc làm khiến khoảng 5 triệu việc làm trên toàn thế giới có thể biến mất trong vòng 5 năm tới.
Đặc biệt, bất bình đẳng giàu-nghèo, vấn đề nóng hổi từ Diễn đàn Davos năm 2016, vẫn tiếp tục là thách thức toàn cầu khi nhóm 1% người giàu nhất thế giới hiện sở hữu khối tài sản có giá trị lớn hơn số tài sản của nhóm còn lại.
Trước thềm hội nghị thường niên WEF tại Davos, tổ chức Oxfam ra một thông báo cho hay tài sản của tám người siêu giàu hiện tương đương với số tài sản của một nửa dân số nghèo nhất trên thế giới cộng lại.
Đây là sự bất bình đẳng có thể “có nguy cơ làm tan vỡ xã hội.”
Theo báo cáo của Oxfam, tài sản của tám người trên - gồm sáu doanh nhân người Mỹ, một người Tây Ban Nha và một người từ Mexico - tương đương với tổng tài sản của 3,6 tỷ người nghèo nhất trên thế giới.
Dựa theo danh sách những nhà tỷ phú giàu có nhất thế giới của tạp chí Forbes, tám người giàu có nhất thế giới bao gồm nhà sáng lập Microsoft Bill Gates, người đồng sáng lập mạng xã hội Facebook Mark Zuckerberg và Jeff Bezos - người sáng lập doanh nghiệp thương mại điện tử Amazon.
Trong bối cảnh như vậy, Diễn đàn Davos năm nay thu hút sự tham gia của đông đảo lãnh đạo của các nước lớn.
Đáng chú ý, sự kiện năm nay có sự tham gia lần đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Sự hiện diện của Chủ tịch Tập Cận Bình là những dấu hiệu cho thấy “trọng lượng” ngày càng tăng của Bắc Kinh trên trường quốc tế tại thời điểm Tổng thống đắc cử Donald Trump cam kết sẽ giành “quyền ưu tiên trước hết cho người dân Mỹ”, còn châu Âu đang bận tâm với những rắc rối của khu vực, từ Brexit đến khủng bố. Thủ tướng Anh Theresa May cũng sẽ tham dự diễn đàn lần này. Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ vắng mặt trong Davos 2017.
Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)... cùng các tập đoàn, doanh nghiệp, học giả hàng đầu nhằm mở rộng thảo luận những vấn đề nổi cộm và thời sự toàn cầu, từ quản lý đến kinh tế và chính trị, xã hội cũng sẽ tham dự.
Nâng cao quản trị toàn cầu; ứng phó với các bất ổn an ninh và khủng hoảng; thúc đẩy phát triển kinh tế thế giới; phát triển các hệ thống công nghiệp và mô hình kinh doanh mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư..., sẽ là những chủ đề nổi bật tại 300 phiên thảo luận của Diễn đàn.
Năm nay, nhận lời mời của Chủ tịch WEF Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Diễn đàn Davos lần thứ 47.
Sự có mặt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Davos năm nay một mặt thể hiện quan hệ Việt Nam và WEF đang tiếp tục trên đà phát triển tích cực, mặt khác cho thấy Việt Nam ngày càng tham gia tích cực và có đóng góp lớn trên các diễn đàn quốc tế.
Kể từ khi tham gia WEF, lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thường xuyên tham dự các hội nghị thường niên của WEF tại Davos cũng như các diễn đàn WEF khu vực, nhất là Hội nghị WEF Đông Á.
Đặc biệt, chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Hội nghị WEF Davos 2007 và 2010 đã đạt các kết quả quan trọng, mở đường cho một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ giữa Việt Nam và WEF.
Giám đốc điều hành WEF Philipp Roesler đã ba lần thăm Việt Nam vào các năm 2014, 2015 và 2016.
Trong chuyến thăm hồi tháng 11/2014, Việt Nam và WEF đã phối hợp tổ chức thành công hội thảo “Vai trò doanh nghiệp trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong hội nhập quốc tế.”
Không dừng lại ở đó, những năm gần đây, Việt Nam còn tích cực tham gia các hoạt động của WEF về Đông Á và các hội nghị khu vực khác của WEF.
Việt Nam cũng là một trong những đối tác chủ chốt của WEF trong khuôn khổ sáng kiến “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” và duy trì hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực này.
Diễn đàn Davos năm nay được kỳ vọng sẽ là nơi để các nhà lãnh đạo trên thế giới phối hợp tìm ra các hình thức quản lý quốc gia, quản trị khu vực và quản trị toàn cầu linh hoạt hơn, nhanh chóng thích ứng với mọi thay đổi và ứng phó được với những thách thức toàn cầu.
Như vậy, Diễn đàn Davos 2017 hay các diễn đàn tiếp theo sẽ ngày càng hoạt động hiệu quả và chứng tỏ được sức hấp dẫn không ngừng trong bối cảnh thế giới hiện nay.