Yên Duyên - Yên Sở xưa, (nay thuộc phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội), là một làng cổ có từ ngàn năm, xưa có tên làng Mui Chùa, nằm vị trí hiểm yếu đường thuỷ sông Hồng phía Nam Kinh thành Thăng Long. Đây là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa, hiện còn lưu giữ nhiều di tích hiện vật có giá trị.
Xưa, người dân nơi đây nghèo khổ, đời sống chủ yếu dựa vào nghề nông, làm ruộng, chăn tằm, ươm tơ, nhưng luôn phải chịu cảnh úng ngập sông nước... Thiên nhiên khắc nghiệt, đã hun đúc tính cách người Yên Duyên cần cù trong lao động, có tinh thần hiếu học và thượng võ, mang đậm nét văn hoá đặc trưng con người miền sông nước đất Thăng Long.
Các đội thuyền đang thao luyện cho Hội thi bơi chải Yên Sở năm 2012. Ảnh: Anh Quý
Từ đặc điểm đó, hình thành Lễ hội bơi chải Yên Duyên, Yên Sở (gọi chung là Lễ hội Yên Sở), thể hiện tinh thần và khát vọng chế ngự thiên nhiên khắc nghiệt của con người nơi đây.Tương truyền, vua Lý Nhân Tông (1072 - 1128) là người đức độ, thương dân.
Năm Nhâm Tý, nhà vua vi hành tìm hiểu cuộc sống của dân, khi đi đến đoạn đê làng Mui, nơi đê xung yếu, Người nhìn thấy một dải sông Hồng mênh mông nước cuốn, ruộng bắp, bãi dâu chìm trong sóng nước, làng xóm ngoài đê chỉ nhìn thấy nhô lên ngọn tre đưa đẩy trong gió mà lòng thương cảm…
Bất chợt, xuất hiện một chiếc thuyền nhỏ từ phía Nam bơi lên. Trên thuyền là một cô gái trang phục yếm đỏ, khăn nâu, đang khoan thai đẩy nhịp mái chèo trên sóng nước. Nhà vua truyền cho quan Nội giám và quan Thái sư mời cô gái vào gặp mặt. Lạ thay, cô gái không trả lời chỉ ngoái nhìn, mỉm cười và thuyền thì đứng yên... Vua nghĩ rằng, có lẽ đó là bậc nữ nhi tài kiệt được trời phái xuống giúp nước, lo cho dân… Rồi vua lệnh tiếp cho 2 vị quan mời cô gái vào tiếp kiến, nhưng cô không vào bờ mà bơi tròn ba vòng thuyền và hát câu: "Trăm lần thiếp phụ quân vươngThuỷ cung cách trở âm dương du mà". Sau đó, con thuyền cùng cô gái khuất chìm xuống lòng sông sâu chỉ còn lại sóng nước phù sa đỏ ngầu.
Nhà vua đã truyền mời các bô lão trong làng Mui lên quãng đê này và thuật lại sự việc xảy ra… Vua cho rằng, đó là công chúa con vua Thuỷ tề và gợi ý người dân lập nghè thờ chỗ công chúa Thuỷ cung vừa hoá thân và ban sắc phong cho cô gái là "Thần tiên mỹ nữ, tự Đại Vương", hôm ấy là rằm tháng Tám âm lịch. Nhà vua còn đặt lại tên làng Mui là làng An Duyên để kỷ niệm lần gặp gỡ giữa nhà vua và cô gái thủy thần…Nhân dân làng Mui Chùa xây dựng Nghè thờ công chúa gọi là Nghè Bà và hội bơi chải làng Yên Duyên được tổ chức từ đó.
Hàng năm, dịp rằm Tháng 8, làng Yên Duyên, mở hội bơi chải để nhắc lại sự tích mối nhân duyên giữa nhà vua họ Lý và công chúa thủy cung, tuy không thành nhưng xen đầy huyền bí. Theo nghĩa đó, Lễ hội cũng là dịp để các đôi trai gái hẹn hò kết duyên lứa đôi…Quy định hội bơi Chải khá nghiêm ngặt. Người được tuyển vào đội bơi phải chay tịnh trước 7 đến 9 ngày, ăn ngủ tập trung tại nhà Phe, nhà Giáp, để bảo đảm ngày xuống Chải thân thể tinh khiết.
Thông lệ, Hội bơi được mở trong 3 ngày từ 13 đến 15 tháng 8 âm lịch. Ngày đầu bơi thờ (làm lễ khai quang chải và các cụ bô lão bơi vòng quanh cây nêu một vòng), ngày thứ hai bơi lèo (giải vòng loại để chọn các đội xuất sắc vào vòng chung kết), ngày thứ ba bơi giải.
Lễ mở hội, nghi thức trang nghiêm, các cụ bô lão xuất hiện với trang phục áo dài đỏ, đội khăn xếp vàng, dây đai lưng màu, bước trên chòi trống hình tám mắt in trên thuyền rồng, có kết hoa và giải lụa vòng quanh. Cụ cả Trượng đánh hồi trống đầu, với ba hồi chín tiếng. Dứt hồi trống cuộc thi bắt đầu, những cây chải rẽ sóng của 4 con thuyền lao trên mặt nước như 4 con Rồng.
Mỗi thuyền Rồng là một màu áo, đầu rồng và đuôi được sơn son thếp vàng, cờ xí rực rỡ. Trên bờ sông, mọi người nhất loạt hò reo cổ vũ cùng với tiếng cồng la của người bắt nhịp, tiếng trống thúc giục của cụ Trượng, tiếng rằm bơi của các chải đập liên hồi xuống mặt nước, hoà quyện vào nhau, tạo nên âm thanh sống động…
Khoảng cách điểm xuất phát bơi tới đích dài một cây số, mỗi lèo bơi 3 vòng và đều chấm giải: nhất, nhì, ba, tư. Để giành chiến thắng, mỗi chải bơi phải khổ công rèn luyện để có sức khỏe dẻo dai và có tính đồng đội cao trong thi đấu. Năm 2000, lễ hội bơi Chải làng Yên Duyên được khôi phục, nhanh chóng thu hút đông đảo nhân dân và khách thập phương. Từ chỗ, các chải bơi của Yên Duyên thi với nhau, nay thu hút đông đảo các chải bơi từ mọi miền tìm đến đăng ký tham gia hội thi.
Hội thi bơi chải không chỉ là Lễ hội, còn là một loại hình văn hoá - thể dục thể thao rất phong phú, thu hút đông đảo tầng lớp thanh thiếu niên tham gia. Lễ hội không chỉ gìn giữ phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, gắn kết cộng đồng, khơi gợi lòng yêu quê hương đất nước mà còn mang tính giáo dục về truyền thống và nâng cao sức khoẻ cho thế hệ thanh thiếu niên. Năm 2007 và 2008, đội bơi chải của Yên Duyên được TP chọn các đại diện vào đội tuyển Hà Nội tham dự giải bơi chải hữu nghị tại Trung Quốc và đạt thành tích cao trong giải thi.
Năm 2010, kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, quận Hoàng Mai cũng đã được TP chọn đăng cai và tổ chức giải bơi chải cấp TP.Năm nay, quận Hoàng Mai được UBND TP chọn đăng cai tổ chức giải bơi chải truyền thống TP Hà Nội năm 2012. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Đàm Quốc Khánh, Lễ hội bơi chải năm nay là một trong những hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 58 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2012). Đến nay, công tác chuẩn bị cơ bản hoàn thành, như khâu trọng tài, dựng bến thi đấu, cắm cờ tiêu, băng xuất phát, băng đích… Lúc này, nhiều đội đã có mặt, thao luyện hàng ngày, hứa hẹn cuộc so tài giữa các đội năm nay sẽ rất quyết liệt và hấp dẫn từ lúc xuất phát tới thuyền cán đích đầu tiên.
Lễ hội bơi chải năm 2012 được tổ chức tại hồ Tích Thủy, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, tổng cộng khoảng 500 vận động viên tham gia. Theo lịch, ngày 28/9/2012 diễn ra Giải bơi chải truyền thống cấp thành phố, dự kiến khoảng 10 đội nam, nữ; mỗi đội 20 người do TP huy động và phối hợp với quận Hoàng Mai tổ chức. Ngày 29 - 30/9/2012 (tức 14 - 15/8/2012 âm lịch) là giải bơi chải truyền thống do UBND phường Yên Sở tổ chức theo nghi lễ hàng năm. Dự kiến, có 16 đội nam, nữ; mỗi đội 20 người tham dự. |