Kỳ 1: Khổ quá !
KTĐT - Tối 21/2, hỏa hoạn bùng phát đã thiêu cháy toàn bộ căn giữa ba tầng của ngôi nhà 47 Hàng Bạc. Phần có kiến trúc đẹp nhất của ngôi nhà đã bị cháy toàn bộ do được làm chủ yếu bằng gỗ. Vụ hỏa hoạn đã đẩy2 hộ dân rơi vào hoàn cảnh không nhà, phải tạm tá túc nhờ các hộ liền kề. Điều đáng nói là sự cố đáng buồn này một lần nữa lại làm nóng vấn đề vốn rất cũ, được bàn rất nhiều nhưng vẫn dậm chân tại chỗ là chất lượng ở trong khu phố cổ Hà Nội và sự lúng túng trong khâu quản lý, bảo tồn phố cổ Hà Nội.
Cụ Nguyễn Văn Ngọc, hơn 90 tuổi may mắn thoát nạn trong vụ hỏa hoạn và trở thành nhân vật chính trong các bài báo viết về vụ hỏa hoạn nói trên trong những ngày qua cho biết: Số nhà 47 Hàng Bạc có diện tích khoảng 205m2, với bề rộng mặt tiền xấp xỉ 7m, có 6 hộ dân với hơn 20 nhân khẩu sinh sống.Nhà được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX, được xếp vào hàng cổ nhất trong khu phố cổ Hà Nội, có kiến trúc và nét đặc trưng của đô thị cổ Hà Nội. Nhưng ông chẳng mặn mà cho lắm về ngôi nhà. Bởi “nhà cổ, phố cổ mà sống khổ quá”. CụNgọc nói: Tôi sống ở đây đã hơn 50 năm. Ban đầu nhà chỉ là của một hộ. Sau 4 thế hệ, ngôi nhà được chia nhỏ nhằm đáp ứng nhu cầu ở của nhiều hộ như hiện nay. Phần nhà tôi ở là nhà cổ, được làm bằng gỗ. Tôi ở tầng 1. Tầng 2 là điện thờ chung của các hộ. Nhà cổ mục rỗng hết nên trước khi xảy ra vụ cháy lúc nào cũng nơm nớp lo nhà sập. Ngay như mái tầng 2, phần đã bị cháy trụi hoàn toàn, phải chống thêm 2 cây cột tránh sập. Ở trong nhà mà không khác gì ở ngoài trời, hễ mưa là thấm chỗ này dột chỗ kia. “Cách đây 20 năm, tôi đã xin tu sửa lại căn nhà nhưng không được phép nên nhà càng xuống cấp nghiêm trọng”, ông Ngọc bộc bạch.
Sau vụ hỏa hoạn, hiện ông Ngọc đang ở cùng gia đình cậu con trai trong căn phòng vốn là không gian cơi nới, chưa đầy 15m2. Ông tâm sự một cách bất ngờ: “Nhiều năm qua ở nhà cổ khổ quá, tôi chỉ mơ ước được ở trong ngôi nhà bê tông kiên cố”.
Khi phóng viên Báo Xây dựng đến hiện trường, chị Nguyễn Thị Hường, con dâu ông Ngọc, đang dọn dẹp. Căn phòng nơi chị và cậu con trai 8 tuổi tá túc tuy là nhà xây cơi nới, bên cạnh điện thờ, nhưng cửa là gỗ nên bắt lửa cháy vào trong. Sót lại hiện trường ám khói đen sì là chiếc ti vi, máy điều hòa cháy chảy, cánh cửa ra vào giờ là khung than. Cầu thang dẫn lên căn phòng của chị ở tầng hai cũng cháy đen. Thành ra, để vào được căn phòng, chị phải bắc thang lên nóc nhà rồi từ tum chui xuống phòng. Chị tỏ ra sốt ruột khi cho biết số nhà 47 Hàng Bạc đón không biết bao lượt người đến khảo sát, nghiên cứu. Nhà báo đến hỏi chuyện cũng ty tỷ lượt nhưng cuộc sống của người dân thì vẫn thế, chật chội, tù túng. Khi được hỏi có nghe đến hay không chủ trương giãn dân trong khu phố cổ của chính quyền, chị Hường thở dài: Tôi mới nghe nói qua các phương tiện thông tin đại chúng chứ chưa hề nghe được chính thức từ chính quyền. Khi thì bảo là đây là nhà cổ, cần bảo tồn, giữ gìn. Khi thì bảo là cải tạo thành địa điểm du lịch. Khi thì nói sẽ giãn dân...
Ông Ngọc cũng có cùng sự bức xúc: Dù là phương án nào, đền bù bằng tiền, giãn dân cấp nhà ở, đất ở mới thì chúng tôi cũng ủng hộ miễn là đúng quy định của nhà nước, đền bù thỏa đáng cho các hộ dân. Tôi thì tôi vẫn muốn ở gần trung tâm. Khi chúng tôi hỏi lại: Gần là thế nào? Ông Ngọc nói: Thì nghe nói giãn dân đến khu đô thị Việt Hưng, thế là được.
Tương tự như vậy, bà Nguyễn Thị Hoa, chủ căn hộ có ở tầng 1, có mặt tiền phố Hàng Bạc cũng có cùng quan điểm. Bà Hoa cho biết: Tôi cũng chỉ nghe qua ti vi rằng trong các năm 2010 - 2015 sẽ giãn dân trên 1.600 hộ sang khu đô thị Việt Hưng. Chúng tôi ủng hộ nếu chính sách di dời và đền bù hợp lý.
Xem ra, không riêng những hộ dân sống trong số nhà 47 Hàng Bạc, và cũng không phải chỉ đến khi những vụ hỏa hoạn đáng tiếc này xảy ra, rất nhiều hộ dân trong khu phố cổ từ lâu đã mơ ước về một nơi cư trú sạch sẽ, tiện nghi, an toàn hơn.