Hiện, Bộ Công an và các lực lượng chức năng của Hà Nội đã và đang triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tình trạng kinh doanh bóng cười. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chế tài xử lý còn những bất cập dẫn đến tình trạng buôn bán, sử dụng bóng cười vẫn diễn ra phổ biến.
Tràn lan kinh doanh bóng cười
Trên địa bàn Hà Nội, thời gian qua có nhiều vụ việc chết người do nghi sử dụng bóng cười như vụ đêm 10/3/2019 tại một quán bar trên phố Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm) khiến 1 nam thanh niên tử vong. Vụ việc tối 16/9/2018, tại Lễ hội âm nhạc ở Công viên nước Hồ Tây khiến 7 người chết và 5 người khác hôn mê.
Mới đây, đoạn clip ghi lại cảnh 3 thanh niên co giật tại phố đi bộ Bùi Viện (quận 1, TP Hồ Chí Minh) nghi do sử dụng chất kích thích, tràn ngập các trang báo mạng, gây cảm giác bất an trong dư luận. Bài học “nhãn tiền” là vậy, nhưng trên địa bàn Hà Nội hiện nay để mua được bình khí cười (N2O) rất đơn giản.
Thậm chí, việc mua bán khá rầm rộ, chỉ cần nhấc điện thoại lên, muốn mua bao nhiêu cũng có, bóng cười được chuyển đến tận nơi. Hoặc chỉ cần gõ cụm từ “bóng cười”, hàng loạt các cửa hàng kinh doanh online với những lời rao bán kích thích sự tò mò để thu hút khách hàng được các đối tượng tận dụng triệt để.
Các chủ cửa hàng online này quảng cáo, hít loại khí trong quả bóng này vào trong người sẽ có cảm giác “phê”, “tê tê”, sau đó là sảng khoái… Nếu mua số lượng lớn sẽ được khuyến mại hấp dẫn: “Mỗi bình có giá từ hơn 1 triệu đồng phụ thuộc vào số cân nặng với đủ các mùi dâu, dưa gang, nho… không phê không lấy tiền, giúp gây cười, xả stress…”.
Trên thực tế, giới trẻ thường tìm đến địa điểm “núp bóng” các quán cà phê, bar để sử dụng bóng cười như: Phố Hàng Buồm, Nguyễn Hữu Huân, Lý Thái Tổ, Mã Mây (quận Hoàn Kiếm); Xã Đàn, Phương Liên (quận Đống Đa)...
Ở địa chỉ 274 Xã Đàn, trước đây là quán cà phê Queen, cơ sở kinh doanh này từng bị phản ánh về tình trạng buôn bán bóng cười, sau đó đổi tên thành quán cà phê Sim Group, nhưng vẫn với cách thức hoạt động kinh doanh bóng cười cũ và đã đi vào hoạt động từ nhiều năm nay.
Dù từng bị cơ quan chức năng quận Đống Đa xử phạt hành chính gần 6 triệu đồng về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất nhưng đến nay cơ sở này vẫn hoạt động, lượng khách vẫn ra vào tấp nập.
Quản lý còn bộc lộ nhiều bất cập
Về công tác quản lý, xử lý đối với việc kinh doanh bóng cười, đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho hay: Quý I/2019, lực lượng chức năng xây dựng, triển khai thường xuyên kế hoạch kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh cà phê, quán bar trên địa bàn. Theo đó, cứ từ 21 giờ, các tổ công tác kiểm tra những địa bàn trọng điểm về bóng cười như Nguyễn Hữu Huân, Hàng Buồm, Lương Ngọc Quyến... Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã lập biên bản xử phạt hành chính 29 vụ, thu nộp ngân sách hơn 333 triệu đồng, thu giữ 32 bình khí N2O không rõ nguồn gốc, xuất xứ…
Trong 29 vụ việc bị lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm kiểm tra, lập biên bản, nhiều cơ sở kinh doanh bị phạt nhiều lần nhưng vẫn tái phạm như quán bar Fame (25 phố Ngô Văn Sở, phường Trần Hưng Đạo). Lực lượng chức năng đã lập biên bản và xử phạt cơ sở này hơn 18 triệu đồng về 2 lỗi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và không có giấy phép kinh doanh hàng hóa hạn chế.
Trước đó, ngày 6/3, đơn vị chức năng cũng đã xử phạt cơ sở này 24 triệu đồng, thu 3 bình khí N2O. Còn tại địa bàn quận Đống Đa, lực lượng công an phối hợp với Quản lý thị trường đã rà soát, điều tra cơ bản, xác định có khoảng 30 cơ sở kinh doanh bóng cười là các quán cà phê, pub, bar.
Từ đầu năm 2019 đến nay, lực lượng chức năng quận Đống Đa đã tổ chức kiểm tra, xử phạt hành chính đối với toàn bộ số cơ sở này, thu giữ hàng chục bình khí cười. Trong số các cơ sở kinh doanh bóng cười bị xử lý, có những điểm bị phạt 2 - 3 lần, song được vài bữa vẫn tái vi phạm như quán cà phê “Halo” ở phường Nam Đồng; quán “The Ball” ở phường Láng Thượng…
Đối với công tác xử lý hành vi kinh doanh bóng cười, lãnh đạo Công an quận Đống Đa cho rằng, mặc dù lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh bóng cười nhưng, vì lợi nhuận “khủng” của loại hàng hóa này nên nhiều chủ cơ sở chấp nhận nộp phạt, tái vi phạm.
Đưa ra những lý giải về những hạn chế trong công tác xử lý, đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho hay: N2O được bơm vào bóng cười là chất nằm trong danh mục mặt hàng kinh doanh có điều kiện, không phải hàng cấm. Do đó, cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý cơ sở kinh doanh mặt hàng này với 2 lỗi là kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và không có giấy phép kinh doanh hàng hóa hạn chế…
Khí N2O theo quy định chỉ được phép mua bán, sản xuất với mục đích sản xuất công nghiệp, không được cấp phép để mua bán, sản xuất với mục đích sử dụng cho người. Bộ Y tế đã có văn bản khuyến cáo tác hại và tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh, lưu hành khí N2O; nhất trí với đề nghị của UBND Hà Nội về việc không được sử dụng khí N2O với mục đích vui chơi giải trí vì khí này làm thay đổi trạng thái tâm thần kinh; Bộ Y tế cũng đề nghị UBND TP tiếp tục chỉ đạo công tác truyền thông về tác hại của khí N2O với sức khỏe con người… |
Cần sớm đưa vào danh mục chất ma túy để xử lý
Liên quan đến tình trạng sử dụng bóng cười, mới đây, gửi câu hỏi đến Bộ Công an, cử tri cho rằng việc mua bán, sử dụng “bóng cười” hết sức nguy hiểm, có thể gây chết người, tuy nhiên lực lượng chức năng chỉ phạt hành chính là chưa đủ răn đe; kiến nghị cần có chế tài đủ mạnh để xử lý.
Ngày 16/10/2018, Bộ Công an đã ban hành Công điện số 410 chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh quyết liệt với tội phạm mua bán, tổ chức, chứa chấp, lôi kéo, cưỡng bức người khác sử dụng ma túy tổng hợp, đặc biệt tại cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự và các sự kiện, lễ hội.
Đồng thời, Bộ Công an cũng phối hợp Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Quản lý thị trường, Hải quan… đánh giá tình hình nhu cầu thực tế để có biện pháp siết chặt trong nhập khẩu và bổ sung quy định quản lý chặt chẽ hoạt động mua bán, kinh doanh khí N2O trong nước; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ các mặt hàng hóa chất không rõ nguồn gốc, ngăn chặn thẩm lậu từ nước ngoài vào Việt Nam; yêu cầu cơ sở kinh doanh ký cam kết không bán bóng cười vào mục đích sử dụng cho con người, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm; tổ chức tuyên truyền rộng rãi trong Nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên về tác hại của bóng cười…
Đến nay, Bộ Công an đang tiếp tục phối hợp lực lượng chức năng nắm tình hình, xác định thực trạng sử dụng bóng cười và các chất hướng thần mới ở trong nước, tham khảo quy định của Ban Kiểm soát ma túy quốc tế và các nước trên thế giới về các chất này, khi có đủ căn cứ sẽ đề xuất Chính phủ đưa vào Danh mục các chất ma túy và tiền chất để có căn cứ đấu tranh, xử lý các đối tượng mua bán, vận chuyển, sản xuất, tổ chức sử dụng trái phép các chất này.