Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý chất lượng rau xanh: Còn nhiều lỗ hổng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) - Bộ NN&PTNT vừa tiến hành kiểm tra và phát hiện nhiều mẫu rau ngót, mướp đắng tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có dư lượng thuốc BVTV vượt mức cho phép.

Tình trạng rau xanh mất an toàn tiếp tục tái diễn cho thấy, việc quản lý của các cơ quan chức năng vẫn còn nhiều lỗ hổng.
 
Rau ngót, rau muống mất an toàn cao nhất

Kết quả kiểm tra an mướp đắng, rau ngót tiêu thụ tại 7 chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh của Cục BVTV cho thấy, 7/25 mẫu rau ngót có dư lượng thuốc BVTV vượt mức tối đa cho phép, chiếm 28% và 18/25 mẫu an toàn, chiếm 72%. Với mướp đắng, có 2/25 mẫu phát hiện dư lượng thuốc BVTV vượt mức giới hạn cho phép, chiếm 8% và 23/25 mẫu an toàn, chiếm 92%. Theo nhận định của Cục BVTV, trong số các loại rau thì rau ngót, rau muống, rau ăn lá có nguy cơ mất an toàn thực phẩm cao nhất. Đối với các loại quả, thì nho tươi dẫn đầu về nguy cơ nhiễm chất bảo quản có dư lượng thuốc BVTV cao.

Quản lý chất lượng rau xanh: Còn nhiều lỗ hổng - Ảnh 1

Chất lượng rau của HTX Yên Mỹ, huyện Thanh Trì được đảm bảo nhờ quản lý theo chuỗi.      

Ảnh: Quang Thiện

Trước những thông tin này, nhiều người tiêu dùng đã rất lo lắng. Chị Nguyễn Thu Quỳnh, đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy) cho biết: "Tôi thấy rau ngót cũng dễ trồng nên nghĩ đây là loại rau khá an toàn, nên hầu như tuần nào nhà tôi cũng ăn vài bữa canh rau ngót. Nhưng, không ngờ cơ quan chức năng kiểm tra lại phát hiện tỷ lệ nhiễm thuốc BVTV cao như vậy".

Chúng tôi đang đề xuất triển khai tổ chức lại khâu dịch vụ ở cơ sở với các mô hình tổ dịch vụ chuyên về BVTV. Những người làm trong tổ dịch vụ này phải có hiểu biết về BVTV, hướng dẫn cho người nông dân. Thông qua đó có thể hạn chế được thuốc BVTV độc hại và kiểm soát được các công đoạn sản xuất.

Ông Nguyễn Xuân Hồng

Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật

Ông Hoàng Văn Tùng - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Phú An, xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ cho biết, rau ngót là loại rau dễ trồng, cho thu hoạch quanh năm. Rau ngót chỉ có hai bệnh đáng chú ý là bệnh muội trắng và vàng lá. Đối với mướp đắng, chủ yếu cũng có hai loại sâu bệnh là sâu nhỏ và nhện đỏ. Theo quy trình an toàn thực phẩm, sau khi phun thuốc BVTV phải cách ly 7 - 10 ngày, nhưng nếu người dân thu hoạch sớm hơn thì việc rau nhiễm dư lượng thuốc BVTV là điều dễ hiểu.

Loay hoay với cách quản lý

Rau ngót, rau muống được người dân sử dụng hàng ngày nhưng đến nay, ngành nông nghiệp lại chưa có bất kỳ đề tài nào nghiên cứu về hai loại rau này. Theo ông Phạm Đồng Quảng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), hiện nay, việc kiểm tra, giám sát của hệ thống khuyến nông chưa sâu sát đến hoạt động sản xuất của nông dân. Ở nhiều nơi, nông dân có thói quen chưa đến ngưỡng phải phun thuốc BVTV nhưng vẫn phun, vừa làm tăng chi phí, vừa gây nguy cơ an mất an toàn với nông sản.

Điều đang nói, càng kiểm tra, cơ quan chức năng càng phát hiện vi phạm, nhưng chính Cục BVTV cũng chưa có biện pháp xử lý tình trạng trên như thế nào. Lãnh đạo Cục BVTV cho biết, thời gian tới, Cục sẽ phối hợp với các địa phương tìm hiểu xem do quy trình sản xuất chưa phù hợp hay nông dân chưa có kinh nghiệm phòng chống các loại dịch hại trên các loại rau, củ, quả có nguy cơ cao này. Từ đó chấn chỉnh kịp thời và hướng dẫn cho người nông dân, địa phương tổ chức lại sản xuất.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận định, mặc dù các cơ quan, đơn vị đã vào cuộc nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý chất lượng an toàn nông sản. Do đó, thời gian tới, cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa, triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố mất an toàn. Theo Bộ trưởng, cần xác định các sản phẩm, địa bàn có nguy cơ cao để tập trung triển khai quản lý, giám sát chất lượng theo chuỗi mới đảm bảo hiệu quả.