Xăng giả, xăng lậu vẫn hoành hành
Thực hiện chỉ đạo từ Tổng cục QLTT, Cục QLTT Hà Nội đã ra văn bản chỉ đạo các đội QLTT Hà Nội kiểm tra hệ thống cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Theo Phó cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Nguyễn Đắc Lộc, Hà Nội luôn là địa phương dẫn đầu cả nước trong việc ngăn chặn gian lận kinh doanh xăng dầu.
Từ đầu năm đến nay, trước khi Tổng cục QLTT yêu cầu kiểm soát thị trường kinh doanh xăng dầu, Cục QLTT Hà Nội đã liên tục kiểm tra hệ thống cửa hàng xăng dầu Hà Nội. Qua kiểm tra, đã phát hiện xử lý 20 vụ kinh doanh xăng dầu không rõ nguồn gốc xuất xứ, xử phạt hành chính 678 triệu đồng, tịch thu 32.085 lít xăng.
|
Quản lý thị trường kiểm tra cửa hàng xăng dầu. Ảnh: Lê Nam |
“Kết quả theo dõi của lực lượng QLTT cho thấy, phương thức, thủ đoạn buôn lậu, gian lận xăng dầu ngày càng tinh vi; các đối tượng móc nối chặt chẽ với nhau tạo thành đường dây khép kín. Mỗi nhóm đối tượng chỉ thực hiện một công đoạn độc lập, dưới sự chỉ đạo điều hành của chủ đầu nậu” - ông Nguyễn Đắc Lộc chia sẻ.
Thực tế hoạt động kiểm tra hệ thống kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, lực lượng QLTT gặp không ít khó khăn trong việc ngăn chặn sản xuất xăng kém chất lượng. Hiện nay, các đối tượng có ý gian lận về xăng dầu không quá khó khi mua các chất dung môi, phụ gia, dùng để pha chế xăng dầu kém chất lượng.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu âm hơn 600 tỷ đồng Ngày 13/6, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đã thông tin về tình hình trích lập, sử dụng, số dư quỹ bình ổn giá (BOG) trong quý I/2019 của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Theo đó, số dư quỹ BOG tại thời điểm 31/12/2018 là 3.504 tỷ đồng. Tổng số trích quỹ BOG trong quý I/2019 (từ ngày 1/1 - 31/3/2019) là 1.659 tỷ đồng. Tổng số sử dụng quỹ BOG trong quý I/2019 là 5.787 tỷ đồng.Lãi phát sinh trên số dư quỹ BOG dương trong quý I/2019 là 3,406 tỷ đồng. Tuy nhiên, số dư quỹ BOG đến hết quý I/2019 là âm 620,643 tỷ đồng. Trước đó, trong văn bản kiến nghị gửi Chính phủ, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, việc trích lập quỹ bình ổn xăng dầu 300 đồng/lít theo quy định tại Nghị định 83 điều hành xăng dầu đang khiến "người tiêu dùng chịu thiệt hơn là lợi". Theo Hiệp hội, việc sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu mang đậm tính can thiệp hành chính, làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu. (Đinh Nguyễn) |
Trong quá trình kiểm tra lấy mẫu, có xác định lượng hàng tồn nhưng QLTT không thể tạm giữ bởi quá trình bán hàng của DN là liên tục nên khi có kết quả sai phạm thì lượng xăng vi phạm đã bán hết, rất khó khăn xử lý tang vật.
Nói về những bất cập trong việc kiểm soát thị trường xăng dầu, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông thừa nhận, hiện đang có bất cập trong quản lý hệ thống phân phối kinh doanh xăng dầu nên mới có tình trạng tuồn xăng lậu, xăng kém chất lượng vào hệ thống đại lý bán lẻ.
“Mặc dù đã có quy định thương nhân kinh doanh cửa hàng phải ghi chép chứng từ, số lượng và chất lượng xăng dầu, nhưng trên thực tế chỉ kiểm soát được đầu vào. Người dân mua xăng dầu tại các cửa hàng không lấy hóa đơn khiến cho cơ quan chức năng không thể kiểm soát được lượng xăng dầu bán ra. Do đó, các hệ thống có thể nhập nhèm đưa xăng lậu, xăng kém chất lượng vào tiêu thụ" - ông Trần Duy Đông cho biết.
Là cơ quan quản lý chất lượng xăng, dầu, đại diện Bộ KH&CN cho rằng, tình trạng pha chế xăng dầu trái phép có nhiều diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, các Sở KH&CN cùng các sở, ngành khác cũng đã phát hiện một số thủ đoạn hết sức tinh vi trong việc gian lận về xăng dầu (như việc sẵn có các ngăn chứa dung môi được lắp đặt bí mật trong các xi téc chứa xăng), và chuyển thông tin cho cơ quan công an để vào cuộc điều tra, đấu tranh với các thủ đoạn này.
|
Nhiều vụ cháy xe được cho là có nguyên nhân từ chất lượng xăng không bảo đảm. |
Bộ KH&CN đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, TP để chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có thông tin, nghi ngờ có dấu hiệu vi phạm về chất lượng xăng dầu, tiến hành lấy mẫu thử nghiệm để xử lý theo quy định của pháp luật. Lưu ý tập trung lấy mẫu tại các điểm là bể chứa xăng dầu để tăng khả năng phát hiện gian lận về chất lượng.
Phải xử nghiêm, phạt nặng nếu vi phạm
Được biết, việc kiểm tra các cửa hàng xăng dầu tập trung chủ yếu vào các vi phạm về niêm yết giá, gian lận, bơm thiếu xăng. Còn việc kiểm tra chất lượng, tiêu chuẩn xăng dầu, đòi hỏi phải có sự chung tay của Sở KH&CN, do có các quy định của Nghị định 83 về xăng dầu.
Theo Cục trưởng Cục QLTT TP Hà Nội Chu Xuân Kiên, hiện các hành vi gian lận trong kinh doanh xăng, dầu hết sức phức tạp, có tính phổ biến với thủ thuật tinh vi, đặc biệt là thủ thuật thay đổi phần mềm có sai số lớn cài đặt lên bộ vi xử lý để gian lận đo lường.
“Do vậy, cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, bao gồm: Sở KH&CN, Sở Công Thương, Công an kinh tế, Thuế, Cục QLTT, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Trong quá trình cấp phép kinh doanh xăng dầu, cơ quan quản lý phải yêu cầu DN, hộ kinh doanh ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Nếu vi phạm phải xử lý nghiêm, đồng thời rút giấy phép; nếu sai phạm nhiều lần rút giấy phép vĩnh viễn không cho kinh doanh, nhất là vi phạm về chất lượng" - ông Chu Xuân Kiên kiến nghị.
Đồng tình với kiến nghị này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, muốn ngăn chặn triệt để hoạt động sản xuất, kinh doanh xăng dầu kém chất lượng, bên cạnh trách nhiệm của lực lượng chức năng, đòi hỏi chính quyền địa phương tích cực vào cuộc.
“Cần gắn trách nhiệm cụ thể đối với chính quyền cấp địa phương trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn. Kịp thời khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích tốt và đề nghị xử lý kỷ luật với những đơn vị, địa phương để xảy ra các vi phạm” - chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đề xuất.
"Với trách nhiệm và chức năng quản lý mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương đang yêu cầu rà soát lại những vướng mắc trong vấn đề pháp lý, quản lý tại địa phương để xem xét trách nhiệm đến đâu; từ đó siết chặt, đảm bảo hiệu quả quản lý hơn nữa mặt hàng này." - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh
"Thủ đoạn vi phạm của các đối tượng là pha trộn hỗn hợp gồm xăng A92 với chất dung môi bột tạo màu. Xăng, dầu kém chất lượng khi sử dụng sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Ngoài ra, lợi dụng việc thực hiện Đề án tiêu thụ xăng E5, một số đối tượng đã thực hiện việc pha trộn xăng sinh học E5 RON 92 vào xăng không chì RON 95 với một tỷ lệ nhất định bán ra thị trường để hưởng chênh lệch giá." - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh |