Những quy định lạ đời?
Khảo sát của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tại chợ La Khê ngày 11/3 cho thấy, tuy là nơi chuyên kinh doanh gia cầm, thủy sản nhưng chợ không có rác, lông gà, lông vịt xả bừa bãi, bốc mùi xú uế. Để có được như vậy, toàn bộ gia cầm được đặt trên hệ thống sàn sắt cao hơn nền chợ. Hệ thống nước được cung cấp đến từng khu vực giết mổ, kinh doanh, kênh thoát nước thải được xây dựng khép kín. Nếu như môi trường tại chợ La Khê khá trong sạch thì tại các chợ đầu mối chuyên kinh doanh những mặt hàng này như chợ gia cầm Hà Vĩ lại “nhiễm nặng” mùi hôi gà, vịt.
Chị Nguyễn Bá Huỳnh, kinh doanh gia cầm tại chợ cho biết: Nhằm đảm bảo vệ sinh cứ 1 - 2 tiếng, bộ phận quản lý chợ lại bơm nước để tiểu thương rửa sàn, rửa đường, toàn bộ rác thải, lông gia cầm được nhân viên vệ sinh thu gom vào nơi tập trung để Công ty CP Môi trường đô thị Hà Đông xử lý. Theo bà con kinh doanh tại chợ La Khê, để chợ sạch, gọn gàng không ảnh hưởng tới môi trường xung quanh. BQL chợ đã đưa ra những quy định “khác lạ”, chẳng hạn khi BQL chợ phát hiện người kinh doanh vứt rác bừa bãi làm mất vệ sinh sẽ bị cấm bán hàng ít nhất một tuần. Lúc đó, những người vi phạm vừa mất mối hàng, vừa ảnh hưởng đến thu nhập.
Chị Lê Thị Út (xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ) - người chọn chợ La Khê làm điểm kinh doanh từ năm 2011 chia sẻ: “Đối với những người kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ thì 1.000 đồng cũng rất quý, vì vậy BQL chợ chỉ thu tiền phí an ninh trật tự, rửa dọn sạch sẽ, thu gom rác thải chỉ 30.000 đồng/ngày. Cụ thể dọn dẹp vệ sinh; bảo đảm an ninh trật tự 20.000 đồng/ô/ngày, thu gom rác thải và phun thuốc diệt khuẩn 10.000 đồng/ô/ngày. Mức phí này được đóng theo ngày (nếu nghỉ sẽ không phải đóng). Ngoài ra, không thu thêm loại phí nào khác: “Mức phí này phù hợp với “túi tiền” các hộ kinh doanh nhỏ lẻ” - chị Lê Thị Út khẳng định.
Trước thông tin người lạ đến chợ sẽ bị theo dõi; tiểu thương và người dân vào chợ phải bỏ mũ bảo hiểm, không đeo khẩu trang; xe máy phải để đúng nơi quy định… Ông Nguyễn Trường Giang - đại diện BQL chợ cho biết: Chợ La Khê hoạt động từ nửa đêm nên ngay từ khi mới đi vào hoạt động đã có nhiều kẻ gian tới trộm cắp tài sản. Để bảo đảm an ninh, BQL chợ đưa ra những yêu cầu này, qua đó phát hiện ngăn chặn kẻ gian trà trộn. Người vào chợ không biết quy định này sẽ được bảo vệ nhắc nhở.
Sẵn sàng tuân thủ các quy định
Qua tìm hiểu được biết, chợ gia cầm, thủy sản La Khê hoạt động từ cuối năm 2010 tại khu vực Cổng Đồng do những hộ kinh doanh từ một số “chợ cóc” trên địa bàn quận Hà Đông tập trung về đây buôn bán. Ngày 11/7/2011, UBND phường La Khê có Văn bản số 47/UBND giao HTX La Khê có trách nhiệm quản lý và khai thác khu đất ở giáp bờ.
Nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh, mất an ninh trật tự, cuối năm 2011, HTX La Khê đã giao ông Nguyễn Trường Giang, xã viên HTX tạm quản lý, khai thác khu đất rộng khoảng 1.000m2 tại khu vực Cổng Đồng để làm điểm kinh doanh gia cầm, thủy sản tập trung, qua đó tạo công ăn việc làm cho Nhân dân, xã viên HTX. Đến nay, chợ La Khê thu hút 100 hộ kinh doanh, qua đó hạn chế tình trạng chợ cóc nẩy sinh trên địa bàn phường.
Theo ông Nguyễn Hữu Hiển - Chủ tịch UBND phường La Khê, việc đưa khu đất trở thành chợ tạm nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án 02/ĐA-QU của Quận ủy Hà Đông về phát triển thương mại dịch vụ và quản lý sử dụng đất công chặt chẽ, chống lấn chiếm. Việc giải tỏa chợ cũng đã được UBND phường tính đến, tuy nhiên việc làm này cần có lộ trình thích hợp, bởi nếu dẹp bỏ ngay, tiểu thương sẽ tỏa đi nơi khác và tiếp tục hình thành “chợ cóc”. Hiện nay, HTX Dịch vụ Văn Khê, phường La Khê đã xây dựng đề án “Xây dựng HTX Dịch vụ Văn Khê với mô hình chợ đầu mối” trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Để dẹp chợ cóc, chợ tạm nhỏ lẻ, thực hiện tốt "Năm trật tự và văn minh đô thị" trên địa bàn phường La Khê nói riêng, quận Hà Đông nói chung, đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm xem xét, nếu đủ các điều kiện thì phê duyệt quy hoạch chợ nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh, tiêu thụ nông sản của người dân.
Người kinh doanh tại chợ La Khê đang dọn vệ sinh tại chợ trong quá trình kinh doanh. Ảnh: Hoài Nam
|