Giá ổn định
Thông tin từ Bộ Công Thương cho thấy, trong tháng 2/2017, nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu (NK) cho các nhà máy sản xuất sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi ổn định. Cụ thể, nửa đầu tháng 2, NK sữa và sản phẩm sữa đạt 43,08 triệu USD, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2016. New Zealand là thị trường cung cấp sữa lớn nhất cho Việt Nam với 25,38 triệu USD, chiếm 36% tổng kim ngạch NK sữa; Singapore với 12,03 triệu USD, chiếm 17%. Chị Nguyễn Thị Minh, kinh doanh sản phẩm sữa trên phố Hàng Buồm cho biết: Hiện, sữa Nan Nga số 1, số 2 có giá 192.000 đồng/hộp loại 400 gam, sữa Enfamil A+1 Brain Plus giá 528.700 đồng/hộp 900 gam, Enfa Grow 3 Brain Plus được bán với giá 420.000 đồng/hộp 900 gam, sữa Frisolac Gold 1 hoặc 2 có giá từ 395.000 - 410.000 đồng/hộp 900 gam. Các loại sữa bột Dielac Alpha Gold Step 4, Dielac Optimum step 1 loại 900g, Dielac Optimum Gold 2... có giá từ 208.000 - 370.000 đồng/hộp, sữa bột nhãn hiệu Cô gái Hà Lan 456 giá 174.000 đồng/hộp...Mua bán mặt hàng sữa tại siêu thị Co.opmart Hà Nội. Ảnh: Hùng Huy |
Đại diện Vụ Thị trường trong nước cho biết: Sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thời gian qua không có những biến động, tăng giá bất hợp lý. Nguyên nhân, ngoài việc nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định còn do Bộ Công Thương ban hành Kế hoạch bình ổn giá mặt hàng này. Kế hoạch gồm: Quản lý giá tối đa trong bán buôn, bán lẻ theo quy định tại Luật Giá và Quyết định 1079/QĐ - BTC của Bộ Tài chính về áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đến hết tháng 3/2017.
Tuy nhiên, Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng thuộc EuroCham (NFG) lại cho rằng, cần gỡ bỏ chính sách áp giá trần lên mặt hàng sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Theo NFG, từ khi biện pháp giá trần được áp dụng (vào tháng 6/2014 bằng Quyết định 1079/QĐ – BTC), nhiều khoản chi phí như tỷ giá, chi phí điện, nhân công... tăng đã ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm. Đây cũng là nguyên nhân khiến Công ty Danone (sản xuất sữa Dumex) đã rời khỏi thị trường Việt Nam.Lo “cha chung không ai khóc”Sau khi việc quản lý giá sữa được Bộ Công Thương chính thức tiếp nhận từ Bộ Tài chính, Sở Công Thương TP Hà Nội và nhiều tỉnh, thành đã lập đường dây nóng công khai số điện thoại để người dân phản ánh tới cơ quan quản lý nếu các tổ chức, cá nhân bán sữa giá chênh lệch so với mức quy định. UBND TP Hà Nội ban hành Văn bản 807/UBND - KT về việc tổ chức thực hiện bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, thời gian thực hiện từ ngày 16/1 - 31/3/2017. Theo đó, DN sản xuất - nhập khẩu sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi phải xác định giá tối đa và kê khai giá gửi tới Sở Công Thương.Tuy nhiên, mặt hàng này hiện vẫn gặp không ít khó khăn do chồng chéo trong các hình thức quản lý. Thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội cho thấy: Trước ngày 1/1/2017, theo quy định của Bộ Y tế, cơ quan chủ trì thực hiện quản lý giá sữa và thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi là Sở Tài chính. Vì vậy, phần nhiều UBND các quận, huyện, thị xã giao cho phòng Tài chính - Kế hoạch. Một số địa phương lại giao cho phòng Kinh tế. Bên cạnh đó, các DN sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sữa trong quá trình đăng ký giá lại không cung cấp được cho cơ quan quản lý giá bán tối đa của sản phẩm tương đương, nên cơ quan tiếp nhận hồ sơ không có căn cứ rà soát, kiểm tra... Những vướng mắc này chính là nguyên nhân khiến từ tháng 1/2017 đến nay, Sở Công Thương mới chỉ tiếp nhận được 1 hồ sơ đề nghị xác định giá tối đa, đăng ký giá đối với 6 sản phẩm sữa mới của Công ty CP sữa Sức sống Việt Nam.Để giải quyết những vướng mắc này, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan kiến nghị: Bộ Công Thương nên thống nhất đầu mối quản lý giá sữa, thực phẩm chức năng dành cho trẻ em dưới 6 tuổi là phòng Kinh tế các quận, huyện trong cả nước; Phối hợp với Cục ATTP (Bộ Y tế) xây dựng quy trình phối hợp, cung cấp thông tin về giấy chứng nhận Công bố phù hợp quy định ATTP, mức giá mà DN đã kê khai đăng ký với Bộ Y tế làm cơ sở để Sở Công Thương các địa phương có căn cứ pháp lý trong qua trình quản lý giá đối với mặt hàng này. Nếu không, tình trạng “cha chung không ai khóc” trong quản lý giá sữa sẽ lại tái diễn.