Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý Grab, Uber: Hợp tác hơn là “bới lông tìm vết”

Yến Dư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, dư luận lại nóng lên với câu chuyện “trách nhiệm” trong quản lý loại hình taxi công nghệ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bây giờ không phải là lúc đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, mà Bộ GTVT và các địa phương phải cùng phối hợp để tìm ra cách quản lý hữu hiệu loại hình taxi kiểu mới này.
Bộ GTVT không vô can

Tháng 1/2016, việc thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách (VTHK) theo hợp đồng chính thức được cho phép. Từ đây rất nhiều vấn đề về công tác quản lý đã nảy sinh và gây ra nhiều tranh cãi.

Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ diễn ra ngày 3/10 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, việc đồng ý cho thí điểm ứng dụng hợp đồng điện tử vào kinh doanh VTHK đối với xe ô tô dưới 9 chỗ là quyết định của Thủ tướng. Cùng với đó, ông Đông cũng khẳng định, theo Luật Giao thông đường bộ, UBND các tỉnh, TP sẽ quyết định dừng hay tiếp tục cấp phép loại hình vận tải Grab, Uber trên địa bàn. Tuy nhiên, chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga cho rằng, Bộ GTVT không thể tự coi mình vô can trước những tồn tại, bất cập trong việc quản lý taxi công nghệ và hệ lụy mà loại hình này gây ra cho các địa phương. “Người xem xét, thẩm định phương án thí điểm, tham mưu cho Chính phủ là Bộ GTVT, ra quyết định xây dựng kế hoạch thí điểm cũng là Bộ GTVT. Trách nhiệm của Bộ GTVT tới đâu chắc hẳn ai cũng biết” - chuyên gia này lý giải.

Dịch vụ Grab, Uber taxi ngày càng được nhiều người tiêu dùng sử dụng. Ảnh: Chiến Công

Trong Báo cáo số 9895/BGTVT - VT, gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 30/8 vừa qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cũng khẳng định: “Thời gian qua, Bộ GTVT đã nhận được nhiều ý kiến từ các địa phương (Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh…) đề nghị Bộ GTVT xem xét tạm thời chưa chấp thuận thêm đơn vị thí điểm… Do đó, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị các Công ty nêu trên (các đơn vị được phép thí điểm - PV) gửi Đề án đến địa phương mà Công ty xin được thí điểm để có ý kiến chính thức bằng văn bản, trên cơ sở ý kiến của các địa phương liên quan Bộ GTVT sẽ xem xét, quyết định”.

Nhiều chuyên gia còn nhắc đến thời điểm năm 2015, khi Bộ GTVT tiến hành lấy ý kiến các cơ quan liên quan về Đề án thí điểm hoạt động của Grab taxi. Khi đó, UBND TP Đà Nẵng đã có góp ý: “Đề nghị Bộ GTVT giao cho tỉnh, TP thực hiện thí điểm được tự chủ quyết định số lượng DN, HTX vận tải cũng như số lượng xe hợp đồng tham gia thí điểm”. Và câu trả lời của Bộ GTVT thời điểm đó là: “Đây là kế hoạch thí điểm, chưa có cơ sở đầy đủ để đưa ra con số khống chế số lượng xe, đơn vị tham gia”.

Lợi và hại

Trong khi taxi truyền thống vẫn tồn tại những điểm yếu như giá cước cao, thiếu tiện ích đặt, gọi xe…, taxi công nghệ lại tỏ ra vượt trội và thu hút được khách với chất lượng phục vụ cao hơn, giá cước rẻ hơn và đặc biệt là tiện ích hơn. Để cạnh tranh với Uber, Grab…, hàng loạt phần mềm ứng dụng gọi taxi nội địa đã ra đời như V.Car; Thanh Cong Car; M.Car…; taxi truyền thống đã bắt đầu chuyển mình theo hướng tích cực hơn cả về mức cước lẫn chất lượng phục vụ. Chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga đánh giá: “Chủ trương cho thí điểm ứng dụng xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ ngồi đã tạo nên một cú hích thực sự cho thị trường taxi trong nước. Hành khách có nhiều sự lựa chọn đồng nghĩa với thị trường đang được minh bạch và lành mạnh hơn”.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng cần nhìn nhận thẳng vào những hệ lụy, bất cập mà taxi công nghệ đem lại cho các địa phương. Đơn cử như Hà Nội, tính đến hết 31/5, đã có 25.366 phương tiện được cấp phù hiệu “Xe hợp đồng”; trong đó có 11.243 xe dưới 9 chỗ. Riêng Công ty TNHH Uber Việt Nam có khoảng 1.900 xe, còn Công ty TNHH Grabtaxi có 4.867 xe hoạt động như taxi trên địa bàn TP. Như vậy, tại Hà Nội hiện có khoảng 25.000 xe bao gồm cả taxi truyền thống lẫn phương tiện kinh doanh, hoạt động như taxi, trong khi đề án quy hoạch đến năm 2020 mới là 25.000 xe và năm 2030 là 30.000 xe.

Mặt khác, trong khi taxi truyền thống phải chịu sự quản lý chặt chẽ về vùng hoạt động, về người lái và phải nộp nhiều loại thuế phí hơn thì taxi công nghệ lại khá “ung dung”. Phó Tổng Giám đốc phụ trách vận tải, Công ty Mai Linh Đông Đô Nguyễn Công Hùng cho hay: “Hà Nội có gần 60 tuyến phố cấm hoặc hạn chế taxi theo giờ, nhưng tất cả các tuyến phố đó Grab, Uber vẫn vào được, vẫn gây UTGT cho TP”.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng thừa nhận: “Còn có hiện tượng một số hộ kinh doanh, đơn vị vận tải không chấp hành đúng các quy định hiện hành như không có phù hiệu hợp đồng, ký hợp đồng với đơn vị cung cấp phần mềm không phù hợp với quy định, không thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước theo quy định”.

Cần tiếng nói chung

Công bằng mà nói, taxi công nghệ có nhiều mặt tích cực, đặc biệt đối với hành khách, người dân. Bởi vậy, thay vì tranh cãi, đùn đẩy trách nhiệm, Bộ GTVT và các địa phương hãy cùng ngồi lại với nhau để chung tay giải bài toán quản lý loại hình này, dung hòa nó với taxi truyền thống để triệt tiêu những hệ lụy và phát huy được thế mạnh.

Mới đây, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất với TP cho quản lý loại hình xe ứng dụng hợp đồng điện tử như taxi thông thường. Ông Nguyễn Công Hùng cho rằng: “Đây là một chủ trương đúng và rất đáng hoan nghênh. Nếu cứ đặt taxi công nghệ ra ngoài những quy định như phố cấm, giờ cấm… sẽ gây ra hệ lụy UTGT cho cả TP và đặc biệt là triệt tiêu sức cạnh tranh của taxi truyền thống”. Bên cạnh đó, ông Hùng cũng đánh giá cao ý tưởng thành lập một trung tâm giao dịch, điều hành taxi chung của TP Hà Nội để quy tụ taxi truyền thống về một mối nhằm quản lý tốt hơn và có sức cạnh tranh hơn đối với taxi công nghệ.

Nhiều địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa đã kiến nghị Bộ GTVT kết thúc sớm giai đoạn thí điểm cho hoạt động taxi công nghệ để có đánh giá chi tiết và điều chỉnh các biện pháp quản lý, tuy nhiên Bộ GTVT không đồng tình với quan điểm này. Các chuyên gia cho rằng, thời gian thí điểm đã kéo dài được hơn 3/4, những hệ lụy, bài học kinh nghiệm đã thấy rõ, việc kết thúc sớm để có điều chỉnh là hợp lý. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đang xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định 86 về quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, trong đó có bổ sung các chế tài nhằm quản lý taxi công nghệ. Vậy, việc kết thúc sớm thí điểm, đánh giá một cách khách quan, chân thực loại hình này để tìm ra đường hướng quản lý ổn định, bền vững là rất cần thiết.

Các địa phương cần chủ động hơn trong việc đóng góp ý kiến với Chính phủ và nhất là tự xây dựng những quy định, chế tài nhằm quản lý hữu hiệu taxi công nghệ mà vẫn phát huy được thế mạnh của nó, làm lợi cho người dân.

Chuyên gia giao thông  Đặng Chí Nga