Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý Hộ kinh doanh bằng Nghị định riêng, chưa đưa vào luật?

Công Nhân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị cân nhắc nghiên cứu xây dựng một Nghị định riêng về Hộ kinh doanh, bảo đảm khuyến khích cũng quản lý, khi đủ điều kiện sẽ xây dựng một luật riêng.

Cần lấy ý kiến rộng rãi
Trình Quốc hội dự án Luật Doanh nghiệp sáng 15/11, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, luật này sửa đổi 66 điều, bãi bỏ 2 điều; bổ sung 8 điều và 1 chương, là chương VIIa (gồm 5 điều) về Hộ kinh doanh.
Theo đó, Luật Doanh nghiệp sửa đổi tiếp tục thừa nhận Hộ kinh doanh là một hình thức kinh doanh, bên cạnh các loại hình DN tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH, công ty CP. Quy định này được cho là sẽ đảm bảo sự đa dạng hình thức kinh doanh, trao thêm quyền cho nhà đầu tư lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp, không xóa bỏ hay ép buộc hành Hộ kinh doanh phải chuyển thành DN.
Dự thảo cũng quy định rõ ràng địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh phù hợp với quy định của Bộ Luật dân sự (hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên gia đình đăng ký), bãi bỏ hạn chế của quy định hiện hành đối với hộ kinh doanh.
Trong khi đó Ủy ban Kinh tế Quốc hội - cơ quan thẩm tra Dự án Luật nói trên - lại tỏ ra khá thận trọng với vấn đề Hộ kinh doanh. Báo cáo thẩm tra cho thấy, Ủy ban Kinh tế nhận định việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với Hộ kinh doanh là cần thiết.
 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh
Tuy nhiên, việc đưa Hộ kinh doanh vào dự thảo Luật là một vấn đề lớn, phạm vi rất rộng, cần đánh giá kỹ tác động, lấy ý kiến rộng rãi của đối tượng chịu tác động. Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc nghiên cứu xây dựng một Nghị định riêng về bảo đảm khuyến khích cũng như quản lý Hộ kinh doanh để họ phát triển sản xuất, kinh doanh theo năng lực và tuân thủ pháp luật, khi đủ điều kiện sẽ xây dựng một luật riêng.
Thận trọng với khái niệm Doanh nghiệp Nhà nước
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo luật đã sửa đổi quy định về DN nhà nước theo hướng DN có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước được cụ thể hóa bằng tiêu chí Nhà nước “sở hữu trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết” của DN đó.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc thay đổi khái niệm DN Nhà nước như quy định tại Dự thảo là một vấn đề lớn, quan trọng, cần đánh giá kỹ tác động tới hoạt động của các DN sẽ trở thành DN Nhà; cũng như đến việc thực hiện mục tiêu cổ phần hóa DN Nhà nước, thoái vốn Nhà nước tại các DN.
Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục rà soát dự án Luật và tất cả các luật khác có liên quan. Đồng thời, nghiên cứu bổ sung quy định điều khoản chuyển tiếp, xử lý đối với các DN sẽ trở thành DN Nhà nước sau khi Luật Doanh nghiệp sửa đổi có hiệu lực thi hành nhằm tránh gây xáo trộn, khó khăn không cần thiết cho hoạt động của DN.
Đồng thời, đề nghị nghiên cứu, xác định tỷ lệ nắm giữ vốn góp hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Nhà nước phù hợp (tỷ lệ thấp nhất là 75%), bảo đảm được sự chi phối của Nhà nước trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của DN mà vẫn hài hòa với quyền, lợi ích hợp pháp của các bên, nhằm tạo thuận lợi trong việc thực hiện mục tiêu cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại DN.
Dự thảo Luật Doanh nghiệp cũng bổ sung quy định người thành lập DN có thể thực hiện đăng ký DN qua mạng với bộ hồ sơ điện tử mà không phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy như hiện nay. Lần sửa đổi này cũng bãi bỏ 2 thủ tục không còn cần thiết, gồm thủ tục thông báo mẫu dấu và thủ tục báo cáo thay đổi thông tin người quản lý DN.
Dự thảo Luật còn mở rộng mức độ và phạm vi quyền của cổ đông nhằm tạo điều kiện thuận lợi để cổ đông bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình. Giảm yêu cầu điều kiện về tỷ lệ sở hữu cổ phần từ 10% xuống 3% để cổ đông thực hiện quyền quan trọng, như: tiếp cận thông tin về hoạt động công ty, triệu tập họp đại hội đồng cổ đông.