Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý lễ hội đừng xa rời thực tế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công tác chỉ đạo, quản lý lễ hội đòi hỏi có sự hợp tác chặt chẽ giữa giới quản lý và nghiên cứu trên tinh thần luôn bám sát thực tế. Đồng thời, về kỹ năng, nghiệp vụ, phương pháp trong tổ chức, duy trì lễ hội cũng có những thiếu hụt cần được bổ sung, nâng cao.

Quản lý lễ hội đừng xa rời thực tế - Ảnh 1
Rộng hơn là quan điểm tổ chức lễ hội cũng cần có những điều chỉnh. Đó là những suy nghĩ của PGS.TS Trần Hữu Sơn - Giám đốc Sở VHTT&DL Lào Cai (ảnh bên) nhân Hội nghị tổng kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2013 vừa qua.

Nhiều văn bản chỉ đạo thiếu thực tế

Ông có nhận xét gì về một số dự thảo, văn bản của Bộ VHTT&DL liên quan đến tổng kết lễ hội 2013, chuẩn bị cho lễ hội 2014 vừa được công bố?

- Dù năm nay, hội nghị tổng kết lễ hội không còn nóng bỏng như ba năm trước, công tác quản lý, tổ chức lễ hội đã có những bước chuyển biến tốt hơn, nhưng tôi đọc các chỉ thị, văn bản vẫn thấy có sự áp đặt. Nhìn rộng ra, nhiều văn bản có những điều còn thiếu thực tế. Tôi nghĩ, nên cụ thể trong chỉ đạo chứ đừng chung chung. Ví dụ như công văn của Bộ gửi các Sở VHTT&DL, cần phải đặt vấn đề và quan tâm kỹ đến an toàn thực phẩm. Rồi vấn đề đốt vàng mã thế nào, quy định ra sao? Việc thanh tra xử phạt là tốt rồi, nhưng quản lý hòm công đức liệu đã đúng chưa, yêu cầu mỗi di tích chỉ đặt ba hòm công đức có hợp lý không? Có ý kiến cho rằng hòm công đức và hòm giọt dầu khác nhau. Theo tôi đó là cách phân ra cho "vui"! Chứ thực tế, cũng đều là phương tiện tiếp nhận đóng góp của mọi người thôi. Nhiều ban quản lý di tích muốn đặt nhiều hòm công đức để thu được nhiều tiền hơn. Mục đích đó sẽ gây phản cảm. Phải nghiên cứu, phân ra, từ một di tích cụ thể thì cần bao nhiêu hòm, chứ không phải cứ thế mà áp vào.

Và để có được nhiều văn bản sát thực, khả thi, có những quy định hợp lý để căn cứ vào đó mà quản lý lễ hội, đề nghị Bộ tiếp tục nghiên cứu, xác định rõ hơn các loại hình lễ hội thì mới làm được.  

 Một số loại hình lễ hội như lễ hội dân gian, festival, lễ hội lịch sử cách mạng, lễ hội ngành nghề… đã được định danh và giải thích rồi, thưa ông?

- Nhưng vẫn còn những điểm thiếu rõ ràng, thiếu sự phân định. Như hoạt động lễ hội theo kiểu tổ chức festival, hoạt động lễ hội nhân những ngày kỷ niệm lớn, rồi hoạt động lễ hội chào Năm du lịch quốc gia… thì tổ chức như thế nào cho rõ màu sắc, tính chất, chứ cái gì giờ cũng na ná giống nhau. Nào là sân khấu hóa, múa hóa, các chương trình biểu diễn nghệ thuật…

 
 Muốn lễ hội được tổ chức tốt và sát thực tế phải đề cao vai trò chủ thể của người dân.     Ảnh: Văn Phúc
Muốn lễ hội được tổ chức tốt và sát thực tế phải đề cao vai trò chủ thể của người dân. Ảnh: Văn Phúc
Bộ VHTT&DL cần có một hội đồng khoa học, nghiên cứu kỹ hơn về các loại hình lễ hội, đồng thời tư vấn cho Bộ trong việc soạn thảo, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Tư vấn trên cơ sở tìm hiểu thực tế, tham khảo ý kiến, kinh nghiệm từ các địa phương, cơ sở. Như thế văn bản mới đi vào cuộc sống. Chứ chỉ có riêng một số nhà quản lý xây dựng thì không được. Hoặc riêng một số nhà khoa học mà không có tranh luận, phản biện cũng không được.

Những năm qua, tài liệu, sách vở, công trình về lễ hội cũng đã có nhiều. Ông có băn khoăn điều gì chăng?

-Xin thưa, chúng tôi tham khảo hàng trăm công trình nghiên cứu về lễ hội. Nhưng để áp dụng vào thì cứ thấy thiếu thiếu. Cần có những hướng dẫn sao cho cụ thể. Ví dụ cách tổ chức sự kiện lễ hội ra làm sao chẳng hạn. Đã có hẳn giáo trình về tổ chức sự kiện, nhưng xin thưa, các "bác" làm cứ giống giống của nước ngoài. Hình như các "bác" dịch ở nước ngoài hay sao mà chẳng thấy "Việt Nam hóa" ở đó. Cho nên muốn dạy, muốn áp dụng hiệu quả, phải được "Việt Nam hóa" và đi từ thực tế của Việt Nam thì mới phổ biến được cho các địa phương, cơ sở. 

Các nhà khoa học hãy đi thực tế! Rồi từ thực tế mà tư vấn, góp ý cho các nhà quản lý văn hóa. 

Người dân phải là chủ thể

Chúng ta hay nói "trả lại lễ hội cho dân". Ông suy nghĩ thế nào về quan điểm này?

- Đã là lễ hội thì phải có sự tham gia của nhân dân. Quần chúng phải đóng vai trò quan trọng, nhất là trong những lễ hội của dân gian, của cộng đồng. Lễ hội dân gian vốn phổ biến, nhiều nhà khoa học và quản lý lâu nay cho rằng phải trả lại cho dân. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể bỏ qua vai trò của Nhà nước, của chính quyền. Tôi nói thực, không có sự tham gia của chính quyền thì cũng rất khó cho việc tổ chức lễ hội. Quản lý các vấn đề trong lễ hội như an toàn thực phẩm, dịch vụ, nhất là sự an toàn mọi mặt… nếu không có sự tham gia của cả hệ thống chính trị thì làm sao quản lý được! 

Ngược lại, cũng không thể quan niệm trong việc quản lý lễ hội, cái gì chính quyền cũng ôm hết được. Muốn lễ hội được tổ chức tốt thì vai trò chủ thể là nhân dân, vai trò quản lý là Nhà nước. Nhưng định hướng bằng văn bản, bằng hoạt động của chính quyền muốn tốt thì phải có nhà khoa học tư vấn. Thế nhưng như vừa nói, khâu yếu là nhà khoa học vẫn chưa có sự tư vấn hiệu quả.
 
Lễ hội thổi cơm thi làng Chuông.     Ảnh: VăN PHúC
Lễ hội thổi cơm thi làng Chuông. Ảnh: Văn Phúc.
Công tác quản lý di tích ở các địa phương có ảnh hưởng lớn đến hoạt động lễ hội. Trong khi việc này vẫn chưa được thống nhất về mô hình. Ông có ý kiến gì?

- Mô hình quản lý ra sao hiện nay đang có một thực tế hết sức phức tạp. Theo tôi, vai trò quản lý tập trung ở các địa phương vẫn phải là của Sở VHTT&DL. Dù cho di tích có thuộc cấp nào thì Sở vẫn phải quản, phải kiểm tra về các mặt chuyên môn. 

Ông có cho rằng công tác tập huấn về tổ chức, quản lý lễ hội cho lực lượng cán bộ, nhân viên, những người trông nom, coi sóc di tích còn kém không?

- Kém thì tôi thấy chưa hẳn! Nhiều chỉ thị ta đưa ra thì tổ chức tập huấn cũng đã thực hiện được. Nhưng cái yếu chính của ta là đưa những vấn đề thuộc về nghiên cứu khoa học về văn hóa, lễ hội vào các nội dung tập huấn sao cho các lực lượng chức năng dễ tiếp nhận, ứng dụng. Hay nói cách khác là chính việc nghiên cứu làm sao gắn với thực tiễn để mà tư vấn cho Bộ trong việc xây dựng các chương trình, nội dung tập huấn phù hợp, hiệu quả thì còn hạn chế.

Chúng ta hay nhấn mạnh tập trung, tăng cường, đẩy mạnh… tuyên truyền trong lễ hội. Nhưng công việc này còn đơn điệu, rập khuôn. Ý kiến ông thế nào?

- Đã là lễ hội thì phải có tuyên truyền. Nhưng phải có những chế tài cụ thể và xử lý cụ thể. Ví dụ, với người dân sở tại, với ban quản lý di tích thì có những quy định gì. Với du khách, thập phương thì phải làm gì… 

Chưa kể phải có nghệ thuật tuyên truyền nữa, bằng các hình thức khác nhau như thế nào. Ví dụ các chỉ thị, văn bản đó phải được cụ thể hóa, thể chế hóa ra sao cho dễ hiểu, dễ tiếp nhận. Các di tích tuyên truyền về những quy định sao cho ngắn gọn chứ đừng dài dòng! Người  dân đi hội thì được vài ba ý là nhớ thôi nên ta đừng tham dài, cái gì cũng muốn nói.

 Xin cảm ơn ông!

 
Công văn số 4449/BVHTTDL-TTr của Bộ VHTT&DL, gửi các Giám đốc Sở VHTT&DL, về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức hoạt động lễ hội năm 2014 có một số chỉ đạo đáng chú ý: Rà soát hệ thống trang thiết bị phòng, chống cháy nổ; không cho du khách đốt vàng mã và hạn chế tối đa việc thắp hương trong nội thất các công trình thuộc di tích; không cho phép bán hàng hóa, dịch vụ trong khu vực bảo vệ I của di tích; hạn chế tối đa hàng quán kinh doanh vàng mã, đổi tiền lẻ, bán thực phẩm tươi sống, kinh doanh trò chơi dễ biến tướng sang đánh bạc; hướng dẫn nhân dân đặt tiền lễ đúng nơi quy định, bố trí lực lượng thu gom tiền lễ kịp thời; không để rác thải tồn đọng; xây dựng, nâng cấp hệ thống nhà vệ sinh công cộng, đảm bảo vệ sinh môi trường trong mùa lễ hội…