Trước đó, 5 nhạc phẩm bolero đã đi vào đời sống của công chúng không được phép phổ biến cũng khiến giới làm nhạc tranh cãi.
Một công văn “gây bão”
Ngày 7/2, Sở VHTT&DL tỉnh Tiền Giang đã ban hành Công văn số 120/SVHTTDL-TTr đề nghị phòng VHTT các huyện thông báo cho các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bản quản lý yêu cầu trong thời hạn 30 ngày phải gỡ bỏ ngay các bài hát chưa được cấp phép phê duyệt nội dung, kèm đó là danh mục 354 bài hát, trong số đó có 21 bài nằm trong danh mục được phép lưu hành của Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD). Điều đặc biệt, trong danh mục 354 bài bị cấm đó có bài hát đã đi cùng năm tháng của dòng nhạc cách mạng – “Màu hoa đỏ” của nhạc sĩ Thuận Yến, sáng tác năm 1991, phổ thơ Nguyễn Đức Mậu. Ngoài ra, một nhạc phẩm trữ tình đương đại của nhạc sĩ Tường Văn đang được rất nhiều bạn trẻ say sưa hát là “Rồi mai thức giấc” cũng bị cấm phổ biến tại Tiền Giang. Tác giả, gia đình tác giả bức xúc, công chúng phản ứng. Ngay sau khi truyền thông lên tiếng, chưa khi nào những văn bản yêu cầu giải trình và yêu cầu thu hồi Công văn 120 giữa Cục NTBD và Sở VHTT&DL chỉ diễn ra trong vòng hơn một ngày. Và đến chiều 25/3, Công văn 120 đã phải thu hồi, hóa giải những lo lắng cho những người yêu quý ca khúc “Màu hoa đỏ” cũng như 20 ca khúc đang được phổ biến còn lại.
Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cho rằng, đây là một bài học trong công tác quản lý của các cơ quan Nhà nước, không thể tùy tiện đưa ra những văn bản bất nhất, gây bức xúc cho dư luận. NSƯT Thanh Hương – vợ nhạc sĩ Thuận Yến trước đó rất bất bình trước Công văn 120 của Sở VHTT&DL Tiền Giang cũng chia sẻ, may mắn là truyền thông kịp thời lên tiếng. Nghệ sĩ NSƯT Thanh Lam – con gái nhạc sĩ Thuận yến đã chia sẻ trên trang cá nhân dưới dạng một bức thư cho người quá cố “Lần này là lại liên quan đến dừng; cấm; liên quan đến sai sót; đến lỗi vận hành hệ thống… Con biết là như lúc còn sống, ba sẽ cười điềm nhiên rồi nói là “sai mà nhiều; đúng được bao nhiêu” để bỏ qua cho mọi sự vô minh...”. Ca sĩ có phần oán trách lỗi lầm này của cơ quan quản lý, còn mẹ cô, NSƯT Thanh Hương nhẹ nhàng nhấn mạnh “cũng may mọi chuyện đã qua rồi, tôi hy vọng không có những lần tương tự sẽ xảy ra”.
Vừa cẩn thận, vừa linh hoạt
Cũng trong tháng 3, 5 ca khúc bolero gồm “Cánh thiệp đầu xuân”, “Rừng xưa”, “Chuyện buồn ngày xuân”, “Con đường xưa em đi” và “Đừng gọi anh bằng chú” chính thức bị Cục NTBD yêu cầu không lưu hành. Khác với công văn của Sở VHTT&DL Tiền Giang, văn bản này của Cục là “lệnh chuẩn”, bất chấp những ca khúc này đang được người yêu dòng nhạc bolero hay hát. Theo nhạc sĩ Thụy Kha: “Bolero là dòng nhạc bình dân, phù hợp với nhiều đối tượng khán giả. Khi rơi vào trạng thái buồn chán, khán giả dễ tìm đến dòng nhạc này như một cách giãi bày, tâm sự”. Cho dù nhận định 5 ca khúc bị cấm lưu hành lần này không có gì lớn, bởi vì bolero có hàng nghìn bài hát, ca sĩ không hát bài này sẽ hát bài khác, nhưng nhạc sĩ Thụy Kha cho rằng, xem xét các ca khúc thuộc dòng nhạc này cũng cần có quá trình nghiên cứu cẩn thận, linh hoạt. Phải xét tinh thần tổng thể của bài hát, không nên chỉ vì bài hát nào có chữ “người lính” cũng đáng bỏ đi hay cấm lưu hành. Ông lấy ví dụ điển hình về 8 ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng bị cấm vì từ “người lính” rồi lại phải xem xét cấp lưu hành trở lại.
Có thể ở một thời điểm khác, 5 ca khúc bolero “Cánh thiệp đầu xuân”, “Rừng xưa”, “Chuyện buồn ngày xuân”, “Con đường xưa em đi” và “Đừng gọi anh bằng chú” sẽ được Cục NTBD xem xét cho được phép lưu hành trở lại. Bởi vì, 5 bài hát dễ đi vào lòng người này đã được không ít người ngân nga, là những bài hát rất được ưa chuộng của dòng nhạc bolero, dù viết để nói về tâm trạng người lính ở chế độ ngụy quyền nhưng không mang tinh thần phản chiến với đất nước. Thế mới thấy, quản lý văn hóa đôi khi cần một trái tim nhạy cảm hơn một cái đầu tỉnh táo.