Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý sông, hồ vẫn chồng chéo

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước thực trạng ô nhiễm nghiêm trọng, diện tích dần bị thu hẹp, trong vài năm gần đây, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm “cứu” sông, hồ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để các giải pháp đạt hiệu quả tối ưu, bền vững, Hà Nội cần đặc biệt chú trọng đến cơ chế quản lý và công tác quy hoạch.

Vai trò của sông, hồ còn hạn chế
Theo thống kê, Hà Nội đứng đầu cả nước về số lượng sông, hồ với 122 hồ nội thành, 185 hồ ngoại thành và 13 con sông chảy qua. Các sông, hồ có tác dụng rất lớn trong việc điều hòa, hỗ trợ hệ thống thoát nước trong đô thị tránh cho đô thị khỏi úng ngập cục bộ. Đồng thời các hồ trong khu vực nội đô khi gắn kết với không gian kiến trúc xung quanh đã tạo nên bản sắc riêng cho Hà Nội.
 Cảnh quan hồ Ngọc Khánh. Ảnh: Thanh Hải 
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng, việc khai thác, sử dụng quỹ mặt nước phục vụ cảnh quan và đời sống đô thị còn chưa hợp lý. Nhiều ao, hồ ở Hà Nội bị lấp để xây dựng các tòa nhà, khu đô thị làm giảm đáng kể diện tích mặt nước, gây ra hiện tượng ngập úng vào mùa mưa. Điển hình các khu vực mới phát triển như Hà Đông, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm... tốc độ xây dựng các khu đô thị mới tăng lên nhanh chóng trên diện tích của nhiều ao, hồ trước đó dẫn đến tình trạng thường xuyên ngập lụt mỗi khi mưa lớn.

Đồng quan điểm, TS. KTS Nguyễn Trúc Anh - Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cũng đưa ra nhận định, ngoài một số hồ nước đã đảm nhận thành công vai trò không gian mặt nước, cảnh quan sinh thái như Hồ Tây, Hồ Gươm, các sông, hồ, ao ngoại thành chưa đóng góp nhiều vào tạo dựng không gian xanh cho đô thị bởi tình trạng ô nhiễm. Hơn nữa, tiết diện các dòng chảy bị thu hẹp do lấn chiếm, cản trở việc thoát nước. “Mặc dù có tiềm năng lớn nhưng hệ thống sông, hồ Hà Nội chưa phát huy được vai trò là không gian tự nhiên – mặt nước – cây xanh tạo cảnh quan, không gian công cộng vui chơi thư giãn cho người dân TP” - ông Nguyễn Trúc Anh nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, các hồ nằm ở trung tâm TP gần đây đã được chăm sóc và cải tạo cảnh quan nên đóng góp nhiều hơn trong việc phục vụ dân cư đô thị như hồ Bảy Mẫu, Trúc Bạch, Thiền Quang, Thủ Lệ, Giảng Võ, Ngọc Khánh… Tuy nhiên, vẫn chưa xứng với tiềm năng và chưa có sự đầu tư, nâng cao giá trị cũng như bổ sung các tiện ích đô thị xung quanh hồ.

Cần giải pháp đồng bộ

Trước nhiệm vụ cấp bách bảo tồn và phát triển không gian mặt nước ở Hà Nội, từ năm 2016, TP đã thực hiện chiến dịch cải tạo môi trường hệ thống hồ. Hàng trăm hồ lớn nhỏ tại nội và ngoại thành đã được nghiên cứu nạo vét và xử lý ô nhiễm bằng chế phẩm Recdoxy 3C do Đức sản xuất độc quyền cho Hà Nội và đạt được kết quả khả quan. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung thông tin, nhiều hồ trên địa bàn TP bị ô nhiễm nặng, người dân xung quanh phải chịu đựng mùi hôi thối từ 20 - 30 năm nay sau khi được xử lý bằng chế phẩm chỉ một thời gian rất ngắn đã không còn mùi. Đặc biệt, Hồ Gươm cũng đang được nạo vét, làm sạch bằng chế phẩm này, tiến tới làm sạch cả hồ Tây và tất cả các hồ trên địa bàn TP.

Thế nhưng, nhiều người vẫn không khỏi lo ngại tình trạng ô nhiễm sẽ tái diễn, nếu công tác quản lý sau đó không được chặt chẽ. Thực tế, không gian mặt nước đô thị đang chịu sự quản lý chồng chéo của nhiều đơn vị, cơ quan, ban ngành. Đơn cử với 122 hồ hiện trạng ở 12 quận nội thành và 185 hồ ngoại thành, chịu sự quản lý cùng lúc của 12 đơn vị trực thuộc.

Các chuyên gia cho rằng, Hà Nội còn thiếu quy hoạch chi tiết để có thể dự báo các phát sinh lấn chiếm, từ đó hoạch định những hành lang bảo vệ. Hơn nữa, quy hoạch mới chỉ xem không gian mặt nước trong đô thị như một không gian công cộng đô thị đơn thuần, chưa phát huy được tính nghệ thuật để có thể làm bật lên vai trò điểm nhấn tạo bản sắc. TS. KTS Nguyễn Trúc Anh đưa ra giải pháp, mặt nước và cây xanh đô thị cần được quy hoạch gắn bó thành một nhất thể để tăng cường hiệu quả phục vụ đô thị. Đồng thời, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để tạo dáng vẻ tự nhiên cho đường kè, như dùng gạch block có lỗ kết hợp trồng cỏ, hạn chế ảnh hưởng đến khả năng tự thấm hút của bờ sông, hồ. Rõ ràng, để khai thác tối đa, lợi thế của sông, hồ, Hà Nội hệ thống giải pháp đồng bộ từ khía cạnh pháp lý, quản lý Nhà nước tới quy hoạch và cải tạo.

"Trong các văn bản phân cấp quản lý nếu như quy định trong phần tổ chức thực hiện của mỗi đơn vị chỉ ghi là “có trách nhiệm” mà không đi kèm là “chịu trách nhiệm trước pháp luật” thì mọi việc vẫn có thể diễn ra theo chiều hướng xấu. Do vậy, quản lý sau quy hoạch và cải tạo nguồn nước là rất quan trọng." - PGS.TS Lưu Đức Hải - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng