Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý thị trường đeo bám địa bàn, tuyệt đối không để mất ATTP trong dịp Tết

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 8/2, đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội do Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội và Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội.

Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam phát biểu tại buổi làm việc.

Nội dung buổi làm việc về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trong việc chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn TP dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Theo Chi cục QLTT Hà Nội, từ ngày 1/12/2017 đến 6/2/2018, Chi cục đã thực hiện kiểm tra, xử lý tổng số 2.244 vụ việc liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vi phạm ATTP trên địa bàn TP, với tổng số tiền đã xử lý là 33.513,681 triệu đồng, trong đó đã phạt hành chính 16.765,084 triệu đồng.

Chỉ riêng trong tháng 1 vừa qua, cơ quan này đã chỉ đạo, thực hiện kiểm tra, xử lý 574 vụ buôn bán hàng nhập lậu với 3.997,8 triệu đồng phạt hành chính; kiểm tra 2 vụ hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu, phạt hành chính 219,85 triệu đồng; kiểm tra 60 vụ và xử lý 44 vụ vi phạm trong mặt hàng rượu, phạt hành chính 157,65 triệu đồng…

Lực lượng QLTT Hà Nội cũng phối hợp với các quận, huyện, thị xã giải tỏa 13 tụ điểm, chợ cóc, chợ tạm và kiểm soát, đảm bảo ATTP tại các chợ dân sinh, chợ Tết ở 30 quận, huyện, thị xã.

Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389/TP đã tham mưu Ban Chỉ đạo 389 TP thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành, từ 17/11 - 31/1/2018, đã thực hiện 191 vụ kiểm tra, phạt hành chính 1.350.350.000 đồng, xử lý hàng hóa vi phạm trị giá 2.651.041 đồng.

Dù vậy, theo lãnh đạo Chi cục QLTT Hà Nội, các lực lượng chức năng đang gặp không ít khó khăn vướng mắc, đặc biệt do tình trạng buôn lậu, buôn bán và vận chuyển hàng giả, nhất là trong các dịp lễ, Tết Nguyên đán tiếp tục có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, bởi nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cao, sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu người dân về giá cả, mẫu mã, chất lượng.

Các đối tượng lại hoạt động có tổ chức, với sự tham gia của nhiều đối tượng, trong đó có các đối tượng ở ngoại tỉnh, đối tượng người nước ngoài… Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thì có nhiều thay đổi và thiếu tính ổn định. Trong khi, công tác phối hợp trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng ở trong và ngoài ngành, giữa lực lượng chức năng TP và các tỉnh khác ở một số nơi thiếu thường xuyên.

Nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, lãnh đạo Chi cục QLTT Hà Nội đề nghị TP và các đơn vị liên quan tăng cường thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tác hại của việc buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả để nâng cao ý thức người tiêu dùng; tăng cường quản lý địa bàn, nắm bắt thông tin về các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh; nâng cao hiệu quả nghiên cứu, điều tra trinh sát…

Cơ quan này cũng kiến nghị Ban Pháp chế HĐND TP nghiên cứu, đề xuất Thành ủy-HĐND-UBND TP tiếp tục quan tâm, chỉ đạo công tác này và giao những nhiệm vụ chuyên môn cho Chi cục thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định pháp luật.

Lắng nghe các ý kiến tại buổi làm việc, đoàn giám sát ghi nhận những nỗ lực của lực lượng QLTT từ TP đến quận, huyện, thị xã trong năm, nhất là trong tháng cao điểm dịp Tết Mậu Tuất 2018 thực hiện Chỉ thị của Chính phủ và Kế hoạch UBND TP liên quan đến công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vi phạm ATTP trên địa bàn TP.

“Mấu chốt quan trọng nhất trong dịp Tết là công tác đảm bảo an toàn, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm hay cháy nổ gây chết người, bởi tính mạng con người là trên hết. Chi cục cần nêu rõ hơn ở những quận, huyện nào chưa có phối hợp tốt trong công tác này. Tại các huyện nấu rượu rất nhiều nhưng cần đảm bảo các can rượu ghi rõ cơ sở sản xuất, ghi rõ tên chủ cơ sở để chịu trách nhiệm về xuất xứ hàng hóa. Chi cục trước hết cần “khoanh” được địa bàn ngay tại TP để quản lý; phân tích chi tiết về công tác chỉ đạo tại các quận, huyện, thị xã ”, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam nhấn mạnh.

Từ nay đến Tết Nguyên đán và sau Tết, Trưởng đoàn giám sát yêu cầu cần tập trung vào QLTT để đảm bảo ATTP, nhất là với mặt hàng rượu, nước ngọt, đồ thực phẩm, do là những mặt hàng trực tiếp đi vào cơ thể. Trong đó, QLTT cần cùng với lực lượng công an trực tiếp “đánh” vào các điểm tập kết hàng để tìm truy xuất nguồn gốc hàng hóa, đảm bảo ATVSTP.

Với pháo nổ (mặt hàng cấm), hiện nhiều huyện đã xuất hiện, nên lực lượng QLTT cần quan tâm kiểm soát; đồng thời cần yêu cầu các quận, huyện thống kê mọi địa điểm kinh doanh pháo hoa và kiểm tra về điều kiện kinh doanh (vì là mặt hàng kinh doanh có điều kiện). Bên cạnh đó, với mặt hàng kinh doanh gas và khí hóa lỏng, cần tập trung quản lý đối với những DN tư nhân, cửa hàng nhỏ lẻ, tuyệt đối không để xảy ra chết người.

“Lực lượng QLTT đã có nhiều cố gắng nhưng không được chủ quan, vẫn phải tập trung chỉ đạo, đeo bám địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý, không để xảy ra mất an toàn trên địa bàn quản lý”, ông Nam nêu rõ.