Bớt 20% sách ra thị trường Theo thống kê mới đây nhất của Cục Xuất bản, in và phát hành, có 41.631 tên sách được đệ trình nhà quản lý trong 6 tháng đầu năm 2016, nghĩa là giảm 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái – thời điểm mà sách xuất bản tràn lan. Và 41.248 tên sách trong số đó được chấp thuận, giảm 11,4% số sách được xác nhận đăng ký xuất bản so với cùng kỳ năm 2015. Số sách không được xác nhận chiếm tỷ lệ khiêm tốn, nhưng những người “gác cổng” xuất bản vẫn bắt được bệnh chính: Đề tài không hợp với chức năng nhiệm vụ của NXB; Thiếu thông tin về tên xuất bản phẩm (tên, địa chỉ đối tác liên kết; tên dịch giả đối với sách dịch); Sai thể loại; Chưa nộp lưu chiểu các tập trước lại đăng ký xuất bản các tập sau (đối với bộ truyện tranh).
Tuy nhiên, với con số giảm dù rất nhỏ ấy, người ta cũng nhận thấy ít nhiều sách đã bớt “sạn”. Các NXB đã đã bớt chạy theo số lượng, để quay ra đầu tư cho ấn phẩm, nên lượng sách ra thị trường chỉ còn bằng 80% so với 6 tháng trước đó. Bản thân số sách vi phạm bị xử phạt cũng giảm gần 50% (117 xuất bản phẩm vi phạm). Một số loại sách phục vụ nhu cầu của nhiều đối tượng độc giả đã có định hướng rõ rệt trong việc lựa chọn đề tài cũng như kiểm soát nội dung. Điển hình là thể loại tình cảm ủy mị, sướt mướt đã giảm đi nhiều, thay vào đó là các tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam và thế giới được tái bản trong hình thức bắt mắt. Sách dành cho thiếu niên, nhi đồng đã ra sạp với đề tài phong phú, trình bày đẹp. Không chỉ quản nội dung, mà nhà quản lý còn xét nét cả việc ghi rõ đối tượng, lứa tuổi phục vụ… Vẫn nặng gánh lo Dẫu đã siết vòng quản lý, song "sạn" và những tật chứng của thị trường xuất bản vẫn làm nhà quản lý đau đầu. Như chia sẻ của lãnh đạo Cục Xuất bản, in và phát hành thì có những “căn bệnh” của nhiều năm trước, đã nhắc nhở nhiều lần mà vẫn chưa được chữa khỏi. Ví dụ như chuyện sách có những nhận định, đánh giá không khách quan, hoặc nội dung không phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục của Việt Nam, hoặc có chi tiết về sự kiện lịch sử không thống nhất… Rồi nhiều cuốn không được biên tập kỹ nên vẫn còn các sai sót về câu chữ, lỗi chính tả, thừa hoặc thiếu trang. Đặc biệt, hiện tượng xuất bản không đúng quy định về bản quyền vẫn diễn ra ở vài NXB, đối tác liên kết xuất bản. Chấn chỉnh thị trường xuất bản vẫn là câu chuyện dài kỳ, chưa có hồi kết. Song "thuốc chữa bệnh" trước tiên và chủ yếu nằm trong tay nhà quản lý, từ việc chấn chỉnh hoạt động cho đến giám sát xuất bản. Thế nên, rất nhiều ý kiến cho rằng, việc trước tiên là cần “chữa bệnh” cho 27 NXB (trong tổng số 60 NXB) chưa đủ điều kiện hoạt động, bởi như vậy đã mất gần một nửa (45%) nhân lực xuất bản làm việc không hiệu quả. Sau đó mới có thể dần đưa các đơn vị vào vòng cương toả của việc quản lý: Chấn chỉnh quy trình xuất bản, liên kết xuất bản để khắc phục triệt để các sai sót; loại bỏ bản thảo có nội dung ảnh hưởng tiêu cực đến giáo dục, thẩm mỹ; duyệt sách mẫu trước khi ký quyết định phát hành... Sau đó mới đến việc đầu tư thích đáng cho các bộ sách hay, có giá trị, tạo thương hiệu cho NXB.
Độc giả chọn mua ấn phẩm tại Hội chợ sách diễn ra ở Hà Nội tháng 4 vừa qua. Ảnh: Phạm Hùng |