Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý thủy điện lỏng lẻo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Quản lý thủy điện hiện nay rất lỏng lẻo. Chỉ có hơn 140 dự án quy hoạch tầm quốc gia còn lại giao cho tỉnh quản lý và vẫn chạy theo doanh nghiệp (DN), khi sự cố xảy ra mới đặt vấn đề ra" - Đại biểu (ĐB) Đào Văn Bình (đoàn Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ chiều 1/11, về quy hoạch tổng thể thủy điện.

Tại phiên thảo luận các ĐBQH bức xúc về việc thủy điện xả lũ gây ngập cho hạ du làm dân thiệt hại nặng, không trồng rừng thay thế theo đúng quy định, đời sống người dân bị di dời phục vụ cho nhà máy thủy điện không đảm bảo, tác động kinh tế - xã hội - môi trường chưa được chú trọng đúng mức.

 

ĐB Phạm Huy Hùng (Hà Nội) nêu vấn đề chúng ta chưa chỉ ra đầy đủ những bất ổn về kinh tế - xã hội tại một số dự án nhất là ở dự án nhỏ, gây mất an toàn cho dân cư, tác động tiêu cực đến kinh tế chưa được kiên quyết loại bỏ, nhiều dự án phá hủy đến 125ha rừng chưa kể tác hại phá đất, phá rừng, biến đổi dòng chảy, lúc thiếu nước, lúc thừa nước…

 
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (đoàn Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luận tổ.          Ảnh: TTXVN
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (đoàn Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: TTXVN
Nhiều ý kiến ĐB cho biết, có tình trạng lợi dụng đầu tư thủy điện để thu lợi ích khác như phá rừng, khai thác gỗ. Số quy hoạch được phê duyệt là 1.239 dự án, tính trung bình 22MW/dự án mà theo thông lệ dưới 30MW là thủy điện nhỏ. Như vậy, quá nhiều dự án công suất nhỏ được phê duyệt, đang tốn quá nhiều chi phí và hậu quả để xây dựng.

 

ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) đặt vấn đề, trong báo cáo của Chính phủ có đề cập tiêu chí, tiêu chuẩn của 3 lần rà soát nhưng vẫn chỉ tiêu chí đó lần thì đưa vào, lần thì đưa ra. Có nhiều điểm "mờ" khó lý giải trong công tác quy hoạch, rà soát điều chỉnh quy hoạch. Công tác thẩm tra, phê duyệt, rào soát điều chỉnh quy hoạch, đầu tư xây dựng thủy điện đáng báo động, không thể an toàn an tâm như báo cáo. "Đây là hậu quả do cách làm quy hoạch thủy điện của chúng ta. Liệu chúng ta có xử lý người ra chủ trương sai không?" - ĐB Thường đặt câu hỏi.

 

ĐB Đào Văn Bình phát biểu: Quản lý thủy điện hiện nay rất lỏng lẻo. Chỉ có hơn 140 dự án quy hoạch tầm quốc gia còn lại giao cho tỉnh quản lý và vẫn chạy theo DN, khi sự cố xảy ra mới đặt vấn đề ra. ĐB đề nghị không giao cho tỉnh, mà quản lý theo tầm Chính phủ và Bộ chủ quản là Bộ Công Thương.

 

Theo các ĐB, việc cấp phép đã dễ dãi, giám sát thi công cũng gần như bỏ ngỏ, vì các dự án diễn ra ở vùng cao, vùng núi, từ việc nhập thiết bị, đảm bảo công trình ra sao dẫn đến việc dự kiến thảm họa và nguy cơ gây ra cho con người không được tính toán kỹ. "Do đó, rất nhiều nhà máy thủy điện treo lơ lửng trên đầu các khu dân cư những túi nước khổng lồ, nếu không may xảy ra thảm họa thì không có cách gì tránh được" - ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) bức xúc. Dù đồng tình với phương án loại gần 40% dự án thủy điện, nhưng ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) khẳng định việc dừng, loại bỏ dự án chắc chắn gây thiệt hại. Chính phủ phải có báo cáo rõ ràng về con số thiệt hại, tuy nhiên báo cáo của Chính phủ không đưa ra được thông tin này. "Thủy điện bị loại bỏ khỏi quy hoạch thì tốn kém với Nhà nước bao nhiêu, với DN bao nhiêu?". Đây cũng là câu hỏi được nhiều ĐB khác đưa ra.