Đòi hỏi thực tếNhững năm gần đây, xe đạp điện trở thành phương tiện phổ biến. Đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội, xe đạp điện đã trở thành phương tiện ưa thích của giới trẻ. Một phần là do người điều khiển xe đạp điện không cần có bằng lái, không tốn tiền mua xăng, mà vẫn có thể chạy với tốc độ tương đương xe máy.
Hiện Hà Nội đã có trên 7.000 xe đạp điện thường xuyên lưu thông và xu hướng sử dụng ngày càng tăng cao, đặc biệt là trong nhóm đối tượng học sinh, sinh viên. Do đó cần thiết quản lý xe đạp điện như đối với phương tiện cơ giới. Nên yêu cầu người điều khiển phải được đào tạo, cấp chứng chỉ, tuân thủ quy định về tốc độ, làn đường, phần đường như xe máy thông thường.Phó Chánh văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội Lưu Xuân Bình |
Phó Chánh văn phòng Ban ATGT TP Hà Nội Lưu Xuân Bình nhận định, xe đạp điện được thiết kế mẫu mã tương tự như dòng xe máy tay ga; về vận tốc thì có kém hơn, nhưng vẫn đạt tối đa 50km/giờ. Lưu thông trên đường phố nội thành, nơi có mật đô phương tiện cao, xe đạp điện không thua kém xe máy là mấy. Chính vì vậy, bên cạnh những ưu điểm như thân thiện với môi trường, vận hành tiện lợi... xe đạp điện lại đang bộc lộ những hạn chế nhất định khi lưu thông và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây TNGT.
Ngoài ra, Hà Nội hiện có 88 xe điện của 5 DN được UBND TP cho phép hoạt động thí điểm tại 3 khu vực hạn chế gồm: Cảng hàng không quốc tế Nội Bài có 28 xe; khu vực Hồ Tây có 2 tuyến với 20 xe; khu vực phố cổ và hồ Hoàn Kiếm có 40 xe. Các xe điện này cũng đã được cấp biển số, quản lý theo quy định về xe chở người 4 bánh có gắn động cơ và người điều khiển tham gia giao thông trong phạm vi hạn chế.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, xe điện 4 bánh đang được sử dụng kinh doanh trên lĩnh vực vận tải hành khách, nên cần được áp dụng một số điều kiện nhất định để tăng cường quản lý. Đặc biệt cần phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, theo dõi hoat động của xe điện 4 bánh trong khi tham gia giao thông.
Nên siết chặt quản lý để hạn chế mất trật tự, ATGTTheo quy định tại Khoản 18, Điều 3, Luật Giao thông đường bộ năm 2008, mới chỉ có xe máy điện được đưa vào nhóm “Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ”. Còn xe đạp điện vẫn nằm ngoài nhóm xe cơ giới nêu trên và tất nhiên chưa phải chịu sự quản lý chặt chẽ theo Luật. Thạc sĩ giao thông đô thị Nguyễn Đình Chiển cho rằng, về tên gọi và một số tính năng nhất định 2 loại xe điện nêu trên có phần khác nhau, nhưng cơ bản đều sử dụng động cơ điện để vận hành và đạt vận tốc tối đa 50km/giờ trở lên. Không thể đặt xe đạp điện ra ngoài khuôn khổ loại hình xe cơ giới, dẫn đến quản lý lỏng lẻo, để tồn tại nguy cơ gây mất trật tự, ATGT.
Hiện nay, Bộ GTVT đang báo cáo Chính phủ về việc xây dựng Luật Giao thông đường bộ thay thế Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Để Luật mới chặt chẽ, hiệu quả hơn trong việc quản lý phương tiện cơ giới sử dụng động cơ điện, UBND TP Hà Nội đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao Bộ GTVT bổ sung “xe đạp điện” vào nhóm "phương tiện giao thông cơ giới đường bộ” trong Luật Giao thông đường bộ sửa đổi. Chỉ khi đó mới đủ cơ sở để quản lý xe đạp điện tương tự như xe máy, đúng với bản chất của nó và sát với thực tiễn đòi hỏi.
Ngoài ra, Hà Nội cũng đề nghị cần ban hành quy định lắp đặt thiết bị giám sát hành trình phục vụ quản lý đối với xe điện 4 bánh kinh doanh vận tải hành khách. Đề xuất này đã được nhiều chuyên gia ủng hộ và đánh giá sẽ giúp giảm thiểu các rủi ro có thể phát sinh trong quá trình vận hành, tham gia giao thông của xe điện 4 bánh. Về lâu dài, xe điện 4 bánh có thể sẽ còn tiếp tục được phát triển, nhân rộng, phục vụ vận chuyển hành khách và du lịch. Các chuyên gia cho rằng, sớm siết chặt các điều kiện quản lý sẽ tránh tối đa những vấn đề phát sinh trong tương lai.