Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quan tâm tới nông hộ nhỏ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hiện nay, một số hệ thống chứng nhận chất lượng rau quả như VietGAP, GlobalGAP... có chi phí cao và chỉ áp dụng được trên quy mô lớn.

 Do đó, tại Hội nghị Quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất và kinh doanh rau quả quy mô nhỏ do Viện Chính sách, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn tổ chức sáng 19/12, nhiều đại biểu đề nghị, nên có hệ thống quản lý chất lượng rau phù hợp hơn với nông hộ nhỏ.

Chi phí cao, khó tiêu thụ

Từ năm 2010, TP Hà Nội triển khai mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP diện tích 25ha tại xã Văn Đức, huyện Gia Lâm. Đến nay, mỗi ngày mô hình này có thể cung cấp 3 - 4 tấn rau, tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ thu mua được 1 tấn/ngày, chiếm khoảng 30%. Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức cho biết, với quy trình kỹ thuật phức tạp, mất nhiều công lao động hơn nhưng đầu ra của rau VietGAP lại hạn chế nên không khuyến khích nông dân mở rộng diện tích.

Tương tự, tại nhiều mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP khác, người sản xuất cũng lao đao vì chi phí chứng nhận lớn nhưng sản phẩm không bán được. Ông Nguyễn Văn Tạo, Trưởng nhóm sản xuất rau VietGAP Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức chia sẻ: "Chúng tôi đã mang rau VietGAP đến Siêu thị BigC nhưng họ không mấy mặn mà. Các công ty đặt hàng mua cũng chỉ được 10kg/ngày. Cuối cùng vẫn phải mang rau ra chợ đầu mối".

Quan tâm tới nông hộ nhỏ - Ảnh 1

Sản xuất rau an toàn tại xã Tiên Yên, huyện Hoài Đức. Ảnh Thiên Tú

Mặc dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh theo tiêu chuẩn VietGAP  nhưng chủ yếu áp dụng với quy mô lớn. Trong khi đó, theo kết quả điều tra tại Hà Nội, Hải Dương và Phú Thọ của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp (CASRAD) năm 2012, diện tích sản xuất rau bình quân chỉ đạt 700m2/hộ. Bởi vậy, mặc dù hệ thống tiêu chuẩn VietGAP ra đời từ năm 2008, nhưng theo thống kê của Cục Trồng trọt đến năm 2011 cả nước mới có 74 mô hình rau VietGAP với diện tích 264ha.

Huy động sự tham gia  của cộng đồng

Theo kết quả giám sát của Cục Bảo vệ thực vật, hiện nay chất lượng rau tại Hà Nội và nhiều địa phương đang được cải thiện. Kết quả kiểm tra năm 2011 cho thấy 10,1% mẫu rau vượt ngưỡng giới hạn cho phép, thấp hơn năm 2010 là 11,5%, năm 2008 là 12,3%

Việc áp dụng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng VietGAP trong sản xuất rau hiện rất khó khăn. Chính vì vậy, nhiều đại biểu cho rằng, Nhà nước cần có chính sách linh hoạt hơn trong việc triển khai các hệ thống kiểm soát chất lượng rau. Theo TS Đào Thế Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp, hiện nay, việc quản lý chất lượng rau theo mô hình Hệ thống đảm bảo có sự tham gia (PGS) khá phù hợp với các hộ sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ. Theo hệ thống này, các bên liên quan bao gồm người sản xuất, tiêu dùng, cơ quan chức năng cùng xây dựng hệ thống quản lý và kiểm soát nội bộ theo tiêu chuẩn an toàn hoặc hữu cơ.

Hiện tại, chương trình quản lý rau theo PGS đang được triển khai tại một số vùng sản xuất rau của huyện Sóc Sơn (Hà Nội), Lương Sơn (Hòa Bình), Phú Thọ và bước đầu cho kết quả khích lệ. Bà Từ Thị Tuyết Nhung, Trưởng điều phối PGS Việt Nam chia sẻ, PGS khuyến khích, thậm chí yêu cầu người nông dân và người tiêu dùng tham gia trực tiếp, chia sẻ trách nhiệm vào quá trình chứng nhận sản phẩm, giúp giảm chi phí chứng nhận. Ông David Parsont, đại diện Dự án nâng cao chất lượng và an toàn cho các sản phẩm nông nghiệp và phát triển khí sinh học (QSEAP) cũng chia sẻ, ngoài sự tham gia hỗ trợ của Chính phủ, cần huy động các tổ chức tư nhân và cộng đồng tham gia quản lý, giám sát chất lượng rau để đảm bảo sản phẩm an toàn nhưng chi phí thấp tới tay người tiêu dùng.