Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản trị, công nghệ quyết định cuộc chơi EVFTA

Khắc Kiên thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xuất khẩu có thể tăng gấp 2 – 3 lần nhờ hội nhập nhưng đòi hỏi các DN Việt Nam phải đổi mới quản trị, áp dụng công nghệ, nâng cao cạnh tranh. Cùng với đó, Việt Nam cần nâng chất lượng dòng vốn đầu tư, thu hút đầu tư vào công nghệ mới, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng lớn chứ không chỉ chú trọng ở kim ngạch, hay tổng vốn đăng ký.

 TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam 
Đây là nhận định của TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trước cơ hội và thách thức của DN Việt Nam khi Hiệp định Thương mại tự do EU và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực.
Cơ hội và thách thức nào sẽ đến với DN Việt Nam khi EVFTA có hiệu lực, thưa ông?

- Trước hết, phải nói đến cơ hội cho các DN Việt Nam có thể tiếp cận thị trường rộng mở, chất lượng cao với trên 500 triệu dân và có thể đẩy mạnh xuất khẩu với một giá trị gia tăng lớn hơn khi mức thuế căn bản bằng 0 đối với phần lớn các mặt hàng theo lộ trình phù hợp. Thứ hai, DN có thể tiếp cận với một nền công nghệ hàng đầu trên thế giới, cũng như những dịch vụ cao cấp với giá cả hợp lý, chia sẻ về văn hóa kinh doanh, tầm nhìn về phát triển bền vững, từ đó góp phần nâng cao trình độ về quản trị, năng lực cạnh tranh. EVFTA sẽ tạo thành động lực, áp lực thúc đẩy sự phát triển của thể chế và môi trường kinh doanh Việt Nam minh bạch hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các DN chân chính có thể phát triển tổng thể.
Có một vấn đề là hiện các DN lớn như một ốc đảo, không gắn kết được DNNVV, DN siêu nhỏ, sản xuất công nghiệp hỗ trợ chủ yếu lắp ráp, gia công… Muốn tham gia giá trị toàn cầu, chúng ta phải là “công xưởng xanh” của thế giới, chứ không thể là “công xưởng bẩn”.

Tuy nhiên, cơ hội sẽ đi kèm thách thức, đặc biệt với DN Việt Nam là chủ thể của EVFTA. Thách thức là DN phải đạt được những chuẩn mực về hệ thống quản trị, quy trình sản xuất cũng như chất lượng của hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này. Chúng ta đều biết thị trường này gắn với tiêu chuẩn, chất lượng rất cao. Đơn cử, yêu cầu vệ sinh dịch tễ rất chặt chẽ, ngoài ra những yêu cầu về lao động trong quá trình sản xuất, kinh doanh… Tất cả những điều này sẽ đòi hỏi các DN Việt Nam phải có một sự đầu tư thỏa đáng để cải thiện công nghệ, quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nếu xét về đầu tư ngắn hạn, chi phí tuân thủ là một thách thức không nhỏ của các DN Việt Nam. Tuy nhiên, đối với dài hạn điều đó sẽ giúp các DN có thể nâng cấp được và đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

Với EVFTA, ông nhận định gì về tiềm năng xuất khẩu và thu hút đầu tư vào Việt Nam?

- EU là nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới, là một thị trường vô cùng lớn, trung tâm khởi nguồn công nghệ hàng đầu, khai sinh các chuỗi giá trị toàn cầu, khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu... Khi khai thông được nền tảng thương mại tiêu dùng với thị trường EU, nghĩa là Việt Nam xây dựng được tuyến cao tốc hướng Tây, kết nối kinh tế trong nước với trung tâm kinh tế KHCN, mở ra xuất khẩu cho các DN. Hiện xuất khẩu sang EU chiếm 20% kim ngạch, nhưng với FTA này kim ngạch sẽ tăng gấp 2 - 3 là chuyện hoàn toàn có thể đạt được trong thời gian tới. Nhưng quan trọng nhất là ở chất lượng dòng chảy thương mại đầu tư này. Việt Nam có thể xuất khẩu sang thị trường EU khó tính, đòi hỏi chất lượng cao nhưng giá cả tốt hơn, nhất là khi thuế giảm với việc tiếp cận thị trường tốt hơn.
Sản phẩm của Công ty CP Quốc tế Sơn Hà được làm từ những người thợ lành nghề trên dây chuyền công nghệ tiên tiến đã xuất khẩu sang 32 quốc gia, vùng lãnh thổ. Ảnh: Khắc Kiên
Trong EVFTA, công nghệ cao là lĩnh vực khá là tiềm năng để thúc đẩy hợp tác giữa hai bên. Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh, hướng tới một nền kinh tế xanh phát triển bền vững ứng dụng công nghệ cao, do đó các DN cũng cần rất nhiều công nghệ mới để nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh. EU là nơi khởi nguồn của rất nhiều quỹ đầu tư, của các thể chế tài chính hàng đầu thế giới và nơi khởi nguồn của công nghệ. Do đó, khi có điều kiện được làm việc với các đối tác châu Âu, DN có điều kiện nâng cấp mình lên. Chỉ nói riêng về yêu cầu bảo vệ môi trường và công trình xanh thì EU đang là nơi đi đầu về công nghệ này.

Vậy, DN Việt cần phải nỗ lực ra sao, thưa ông?

- Hiện, Việt Nam có 700.000 DN đăng ký, nhưng nếu coi DN nghĩa rộng hơn bao gồm cả các hộ kinh doanh, Việt Nam có trên 5 triệu hộ kinh doanh. So với thế giới, Việt Nam chẳng thua về số lượng thực thể kinh doanh, nhưng chất lượng thì là cả vấn đề. Khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đóng góp 40% GDP, trong đó khu vực DN tư nhân chính thức trong nước hiện chỉ đóng góp chưa tới 10% GDP và 30% GDP thuộc về các hộ kinh doanh cá thể hay còn gọi là khu vực không chính thức mà khu vực này chưa đảm bảo minh bạch, chưa tiếp cận quản trị thế giới khi năng suất thấp, hiệu quả chưa cao. Nhưng hội nhập, chủ thể thị trường thế giới là DNNVV, siêu nhỏ, đòi hỏi khu vực này cũng phải cạnh tranh, vươn ra thế giới. Do đó, việc nâng cấp DN Việt Nam là cấp bách. Trong đó, nâng cấp quản trị, minh bạch hóa là quan trọng, Luật DN nên đưa hộ kinh doanh vào diện điều chỉnh DN, nhưng không được đặt gánh nặng hành chính, mà phải dễ hơn, thuận hơn, bớt chi phí, minh bạch... góp phần nâng cao cạnh tranh toàn cầu vì hợp tác với EU, Mỹ, Nhật không “tù mù” được mà phải chuyên nghiệp.

Vươn tới những chuẩn mực thế giới về công nghệ và đầu tư, nghĩa là Việt Nam cũng phải vươn tới thể chế đạt chuẩn mực toàn cầu. Khi bắt tay với EU, Việt Nam phấn đấu trở thành chuẩn mực kinh tế OECD, kinh tế phát triển... cơ hội mang tính tích hợp, chứ không riêng lẻ để nâng cạnh tranh của Việt Nam, thực hiện khát vọng bứt phá, phát triển vào năm 2045.

Xin cảm ơn ông!