Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản trị công ty phải được coi trọng

Đinh Nguyễn (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều chính sách ưu đãi được ban hành thời gian qua, song chính bản thân DN nhỏ và vừa (DNNVV) đang tồn tại không ít hạn chế để tận dụng cơ hội.

Trong cuộc gặp Thủ tướng với cộng đồng DN mới đây, một trong những tồn tại đó được chỉ ra là những hạn chế trong quản trị công ty.

Theo ông Nguyễn Vũ Quang Trung – Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), thực tế nhiều DN trong nước hiện nay vẫn chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này.

Ông có thể nói rõ hơn về thực trạng quản trị công ty của các DN Việt Nam hiện nay?

- Đó là khái niệm chúng tôi đã tiếp cận và triển khai tăng cường nhận thức cho các DN từ 4 năm trước. Đây là một hệ thống các cơ chế và quy định để thông qua đó, công ty được định hướng điều hành và kiểm soát nhằm đáp ứng quyền lợi nhà đầu tư, người lao động và những người điều hành DN. Quản trị công ty được đặt trên cơ sở của sự tách biệt giữa quản lý và sở hữu DN, qua đó ngăn chặn sự lạm dụng quyền lực và chức vụ, giảm thiểu những rủi ro liên quan đến hoặc có nguồn gốc từ những giao dịch với các bên có liên quan.

Có thể nói, đến thời điểm này, Việt Nam đã có tiến bộ nhất định trong nhận thức của DN về sự cần thiết, tác dụng cũng như thực tế của quản trị công ty. Tuy nhiên, mặt bằng xuất phát quản trị công ty ở Việt Nam khá thấp do đặc thù kinh tế đang chuyển đổi, đa số các DN cổ phần từ DN Nhà nước và một số DN tư nhân phát triển lên từ DN gia đình. Thực tế, đây cũng không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà còn của các nước châu Á - Thái Bình Dương.

Đánh giá chung về mặt bằng thì quản trị công ty ở Việt Nam yếu hơn so với các nước trong khu vực. Nếu so sánh với các DN trong nước, hiện nay có những DN làm rất tốt công tác này. Nhưng, bên cạnh đó cũng có nhiều DNNVV chưa quan tâm đến quản trị công ty.

Thông qua các đợt đánh giá trong 4 năm trở lại đây, chúng tôi thấy điểm trung bình của các DN được nâng lên, nhưng tốc độ nâng rất thấp như hiện mới nâng lên được 58 - 60 điểm, trong khi các nước trên thế giới đã đạt được 80 - 90/100 điểm như Singapore hoặc Thái Lan.

Thời gian qua, việc một số DNNVV đã gây dựng được thương hiệu, tiếng tăm bỗng dưng “đứt gánh giữa đường” vì không tìm được tiếng nói chung giữa người điều hành và nhà đầu tư. Đây chỉ là một trong rất nhiều những nguyên nhân xuất phát từ việc yếu kém trong công tác quản trị công ty của DN. Nhiều ý kiến cho rằng, những yếu kém này chính là nguyên nhân khiến DN Việt Nam “chậm lớn”?

- Tôi cho rằng, khi DN xảy ra khủng hoảng sẽ lộ ra gốc vấn đề là quản trị DN kém. Trước đó, nhiều DN cho rằng, các chính sách, hoạt động công ty rất tốt. Vậy tại sao lại xảy ra khủng hoảng? Vì vậy, họ đưa ra các giả thuyết quản trị công ty không tốt, có những vấn đề bị che giấu, nhiều vấn đề tác động đến hoạt động của DN. Từ đó lộ ra những yếu kém, thiếu sót, thành lập các tiểu ban kiểm toán, thành viên quản trị độc lập, chính sách cơ chế giám sát HĐQT và điều hành ban quản lý DN… nhằm không chỉ tháo gỡ vấn đề mà còn thực hiện tốt việc quản trị công ty.

Hiện nay, chỉ có những DN lớn áp dụng các chuẩn mực quản trị công ty, còn lại hầu hết các DNNVV chưa thực sự coi trọng. Theo ông, Việt Nam có nên quy định quản trị công ty là chuẩn mực bắt buộc?

- Quản trị công ty là nguyên tắc tự nguyện, bởi nếu áp dụng thì công ty tốt, cổ đông sẽ đầu tư vào công ty nhiều hơn. Còn nếu không áp dụng, DN phải chấp nhận rủi ro và có thể sụp đổ khi khủng hoảng. Nên có những chính sách thưởng và phạt đối với các DN làm quản trị công ty tốt và công khai các DN quản trị kém, có vấn đề để các nhà đầu tư có cái nhìn thực về DN.

Tôi cho rằng, nên luật hóa một phần nguyên tắc của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về quản trị công ty như: Phải tôn trong quyền cổ đông, nâng cao trách nhiệm HĐQT, trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong việc thúc đẩy hoạt động quản trị công ty…

Xin cảm ơn ông!