Nhiều bất cập
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến tháng 6/2014, Bộ đã tuyển và cử 1.013 giảng viên đi học nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước; các trường ĐH bồi dưỡng, đào tạo và tuyển thêm 4.000 người, nhưng tình trạng thiếu giảng viên vẫn chưa được cải thiện. Qua những lần thanh, kiểm tra các trường cho thấy, một số cơ sở đào tạo chưa quan tâm phát triển đội ngũ giảng viên cơ hữu, nên có những ngành ĐH, chuyên ngành thạc sĩ, tiến sĩ không đảm bảo điều kiện. Một lý do nữa khiến chất lượng giảng viên "đuối" như ông Đặng Kim Vui - Giám đốc trường ĐH Thái Nguyên phân tích: "Nhiều trường chạy đua mở ngành, tuyển giáo viên ồ ạt bằng cách lấy luôn sinh viên vừa tốt nghiệp đứng lớp, thậm chí, còn giảng nhiều giờ như một giảng viên chính. Biết rằng, kiến thức cơ bản của các em có thể tốt, nhưng kiến thức sư phạm và thực tiễn thì phải có quá trình tích lũy".
Công tác đào tạo của các trường cũng bộc lộ nhiều hạn chế, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục. Ngoài tỷ lệ sinh viên/giảng viên vượt quá quy định, các trường không xác định được mục tiêu đào tạo cụ thể. Trường đào tạo theo hướng ứng dụng lại thiếu kỹ năng thực hành, trường theo hướng nghiên cứu lại thiếu kiến thức chuyên sâu về lý thuyết. "Hầu hết các trường hiện nay thiết kế chương trình khá tỷ mỉ về những vấn đề cụ thể, nhưng thiếu trang bị những kiến thức tổng quát mang tính quy luật tạo nên nền tảng phát triển tư duy sáng tạo của sinh viên. Nghiên cứu khoa học trong trường ĐH chưa được xem là một hoạt động bắt buộc khiến cho kiến thức của giảng viên bị lạc hậu và sinh viên không được "nhúng" trong môi trường sáng tạo để được trang bị phương pháp nghiên cứu, kinh nghiệm tự học…" - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga thẳng thắn thừa nhận.
Cần thêm các tổ chức kiểm định độc lập
Để khắc phục những tồn tại ở bậc giáo dục ĐH, tại hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ năm 2014 cuối tuần qua, lãnh đạo nhiều trường đề nghị chú trọng kiểm định chất lượng, thay vì tập trung nhiều vào thi cử. Bàn về giải pháp đảm bảo chất lượng đào tạo, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội Nguyễn Văn Trào cho rằng, trước hết, từng cơ sở phải có mục tiêu phù hợp với chiến lược phát triển chung của đất nước. Trong khi đó, ông Nguyễn Hội Nghĩa - Phó Giám đốc ĐHQG TP Hồ Chí Minh lại "kêu" công tác kiểm định quá khó khăn, bởi việc đánh giá một trường có ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt trong thời gian dài, nên độ tin cậy vô cùng quan trọng. Do đó, 2 trung tâm kiểm định do Bộ GD&ĐT thành lập cần nhiều nỗ lực, các bộ ngành liên quan cần hỗ trợ, các trường chủ động đầu tư nguồn lực cho kiểm định. Nhiều hiệu trưởng khác mong muốn tiến tới xã hội hóa công tác này, có thể giao cho tổ chức quốc tế hoặc đơn vị trong nước đủ năng lực và điều kiện thực hiện.
Biết rằng, chuẩn đầu ra là cần thiết với các trường, song trong quá trình thực hiện, nhiều trường lại đang gặp khó khăn, nhất là về trang bị hệ thống máy móc, phòng thí nghiệm. Trước vấn đề này, ông Nguyễn Hội Nghĩa chia sẻ bài toán ngược đang được tiến hành tại ĐHQG TP Hồ Chí Minh - đó là, trên cơ sở ý kiến tham khảo của tất cả các bên liên quan để xác định nội dung và mức độ của từng nội dung ấy, từ đó có được khối kiến thức và trình độ của từng môn. Tiếp sau đó là định ra được chương trình đào tạo từng môn học, để xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy phù hợp; cơ sở vật chất phục vụ cho chương trình và cuối cùng là kế hoạch quản lý đào tạo.
Sinh viên trường Đại học Thủy lợi trong giờ thực hành. Ảnh: Quỳnh Linh
|