Trong thời gian qua việc đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền Cuộc vận động “ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã có tác dụng hỗ trợ DN tiêu thụ hàng Việt - đó là khẳng định của bà Lê Thị Kim Oanh - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TP Hà Nội tại Hội nghị sơ kết công tác quý I/2016 cuộc vận động “ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vừa được MTTQ TP Hà Nội tổ chức.
Đa dạng hình thức truyền thông
Báo cáo của Ban chỉ đạo (BCĐ) cuộc vận động cho thấy, trong quý I/2016, Hội Liên hiệp Phụ nữ phối hợp với Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp và Chi cục Bảo vệ thực vật tổ chức 5 cuộc hội thảo “Tăng cường khả năng nhận diện sản phẩm an toàn, và chuỗi giá trị cho người tiêu dùng ” và 80 lớp tập huấn "Nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng trong lựa chọn và sử dụng rau an toàn" cho hơn 7.000 cán bộ, hội viên.
Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, riêng với công tác hỗ trợ người tiêu dùng, Sở đã tổ chức Tháng hành động vì quyền Người tiêu dùng, thu hút hơn 40 DN với trên 300 điểm bán hàng vì người tiêu dùng trên địa bàn TP; Triển khai Ngày hội tri ân người tiêu dùng tại các điểm bán hàng của DN… Đáng chú ý, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của DN và người dân, trong quý I, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã xử lý 2.107 vụ vi phạm. Tổng trị giá hàng tịch thu, tiêu hủy, phạt hành chính là 31,5 tỷ đồng.
Điều đáng ghi nhận, việc các DN tích cực nâng cao chất lượng hàng hóa, tạo đa dạng mẫu mã sản phẩm, giảm giá thành, coi trọng khách hàng, từng bước thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... đã dần chiếm được thiện cảm của người dân với hàng Việt.
Hỗ trợ DN quảng bá sản phẩm
Thông qua hoạt động truyền thông, hàng Việt đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Tuy nhiên, các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn vẫn còn một số DN chưa quan tâm đến thông tin tuyên truyền, quảng bá đến người tiêu dùng, bảo vệ thương hiệu nhãn mác của sản phẩm, hàng hóa. Nhiều người tiêu dùng tại các huyện có chung ý kiến, trong quá trình tổ chức phiên chợ Việt, DN chưa chú trọng việc khảo sát nhu cầu của người dân dẫn tới cơ cấu hàng hóa chưa phù hợp với thực tế.
Để khắc phục những bất cập này, các DN đề nghị, thời gian tới TP triển khai các chương trình hỗ trợ tuyên truyền hàng Việt và các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn. Đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, qua đó giúp DN bảo vệ hàng Việt. Ông Đào Văn Bình - Trưởng Ban chỉ đạo Cuộc vận động TP đề nghị: Các đơn vị thành viên tiếp tục đổi mới phương thức tuyên truyền cuộc vận động đến DN, người tiêu dùng, hướng tới mục tiêu 100% người dân và DN trên địa bàn biết đến cuộc vận động. Sở Công Thương triển khai chương trình liên kết công nghiệp, thương mại giữa Hà Nội với các tỉnh, TP trên cả nước; tạo điều kiện để DN các tỉnh bạn tham gia các kỳ hội chợ tại Hà Nội; phối hợp với các ngành chức năng xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật bản đồ số về mạng lưới phân phối hàng Việt; thực hiện chương trình ứng dụng thương mại điện tử, nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa dịch vụ trên địa bàn.
Nhằm hỗ trợ DN trong quá trình đưa hàng Việt về nông thôn, chính quyền các quận, huyện cần hỗ trợ các DN xác định địa điểm bán hàng, công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các chương trình bán hàng đến từng khu dân cư. Đồng thời đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ, xây dựng chợ, trung tâm thương mại, siêu thị... phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để người dân kinh doanh, mua sắm.
Người dân xã Tiền Phong, huyện Mê Linh chọn mua hàng trong phiên chợ Việt do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức. Ảnh: Phạm Hùng
|