Tối 4/5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Ngãi, UBND huyện Nghĩa Hành khai mạc liên hoan: “Mỗi sản phẩm OCOP là một câu chuyện kể” và không gian du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn năm 2024.
Liên hoan có sự tham gia của 11 đơn vị đến từ 11 huyện, thị xã, thành phố (riêng 2 huyện Minh Long và Ba Tơ không tham gia) với 3 nội dung gồm: phần thi sân khấu hóa “Mỗi sản phẩm OCOP là một câu chuyện kể”, phần thi hội trại, phần thi ẩm thực.
Đáng chú ý, phần thi “Mỗi sản phẩm OCOP là một câu chuyện kể” được các đội dàn dựng, lên kịch bản chu đáo nhằm chuyển tải đến khán giả sự hình thành, phát triển của sản phẩm OCOP tiêu biểu tại địa phương mình như: đặc sản ớt xiêm rừng của huyện Sơn Hà, quế của huyện Trà Bồng, chuối ngự của huyện Nghĩa Hành…
Trong đó, ớt xiêm rừng là một gia vị rất đặc trưng của đồng bào H’re. Giống cây này tự mọc ở khu vực đồi núi và đâm chồi, nảy lộc trên những ngọn đồi núi cao, cứ thế trở thành đặc sản.
Trải qua nhiều thế hệ, ớt xiêm rừng được bà con đồng bào tuyển chọn, gìn giữ và bảo tồn. Đến nay, loại ớt đặc sản của người H're còn tạo ra giá trị về hàng hóa, mang lại thu nhập.
Nắm bắt cơ hội, huyện Sơn Hà đã triển khai dự án trồng và bảo tồn giống ớt xiêm rừng. Cùng với đó, HTX Nông nghiệp sạch Sơn Hà mạnh dạn đầu tư sản xuất, đưa sản phẩm ớt xiêm rừng vươn ra toàn quốc.
Ớt xiêm rừng Sơn Hà được phát triển thành các sản phẩm như ớt xiêm rừng tươi, ớt xiêm rừng ngâm dấm, muối ớt xiêm, nước chấm ớt xiêm. Từ năm 2018, những sản phẩm này đã được xuất đi các hệ thống siêu thị Big C, Co.opMart…, doanh thu đạt trên vài tỷ đồng.
Theo Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL Quảng Ngãi Huỳnh Thị Sương, ngày nay, sản phẩm OCOP đã không còn xa lạ với người tiêu dùng. Thông qua Chương trình OCOP đã khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đồng thời, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn.
Sản phẩm OCOP không chỉ là những sản vật của làng quê, chứa đựng sự tâm huyết và tự hào của người dân, mà nó còn mang trên mình sứ mệnh kết nối và lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam.
Bởi lẽ đó, sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ”, chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền, ghi dấu ấn về bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống. Là bức tranh toàn cảnh miêu tả lợi thế về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, khí hậu và tri thức bản địa.
“Tại liên hoan này, bức tranh đó sống động hơn qua những lời ca, câu hát, câu chuyện kể do chính các diễn viên, nghệ nhân là người trực tiếp làm ra những sản phẩm này, mang sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng và du khách thập phương”- bà Sương nói.
Liên hoan “Mỗi sản phẩm OCOP là một câu chuyện kể” và không gian du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn là sự kiện nằm trong khuôn khổ Tuần lễ du lịch Quảng Ngãi năm 2024.
Đây cũng là dịp để lan tỏa và quảng bá, giới thiệu nét văn hóa đặc trưng, đặc sắc của sản phẩm OCOP, đặc biệt là các sản phẩm làng nghề truyền thống, dịch vụ du lịch cộng đồng nông nghiệp nông thôn đến với đông đảo nhân dân và bạn bè trong, ngoài nước.
Được biết, tại Quảng Ngãi, sau gần 5 năm thực hiện Chương trình OCOP, đến nay, toàn tỉnh có 191 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó có 17 sản phẩm 4 sao và 174 sản phẩm 3 sao.