Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Bình thiệt hại hơn 47 tỷ đồng do lũ lụt

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thông tin của Kinh tế & Đô thị có được, đến chiều tối 2/11, thiệt hại do mưa lũ trong mấy ngày qua tại tỉnh Quảng Bình đã lên tới hơn 47 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh Quảng Bình, đến chiều tối 2/11, mực nước trên các sông ở Quảng Bình đang xuống chậm và còn ở mức cao. Nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ và sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng sâu trên diện rộng vẫn còn cao. Nhiều hồ chứa trên địa bàn như Rào Đá, Vực Tròn, Thác Chuối, Phú Vinh… đã tràn sâu.

 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).
Về giao thông, mặc dù nhiều tuyến đường đã được thông tuyến, song vẫn còn nhiều đoạn đường bị ngập sâu và chia cắt. Đáng chú ý, tại huyện Minh Hóa, đường giao thông toàn xã Tân Hóa bị ngập và chia cắt tại 4 điểm, trong đó có ngầm Lạc Thiện (nối giữa xã Tân Hóa và Minh Hóa) bị ngập sâu nên hiện nay xã Tân Hóa đang bị chia cắt. Tại huyện Quảng Trạch, hiện các tuyến đường liên xã Cảnh Hóa đi Phù Hóa và tuyến đường từ Quàng Thanh - Quảng Phương - Quảng Lưu - Quảng Thạch đã bị chia cắt hoàn toàn...
Ngoài đường giao thông, nhiều tuyến đê trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã bị hư hại do mưa lũ. Trong đó tại thị xã Ba Đồn, hệ thống đê đất ở thôn Tân Thượng xã Quảng Hải bị sạt lở, hư hại nặng trên 100m. Tuyến đê Cạnh ngoài xã Quảng Văn từ thôn La Hà Đông đến thôn Văn Phú bị xói lở nặng với chiều dài 400m. Tại huyện Bố Trạch có 3 đập bị sạt lỡ gồm: Đập Hung Dũ, đập Ồ Ồ và đập Khe Chè ở xã Hưng Trạch có nguy cơ bị vỡ. Huyện đã chỉ đạo địa phương huy động 500 bao, bì để tạm thời gia cố. Tại huyện Quảng Ninh có 2 cống xã Hải Ninh bị sạt lở gồm: Cống thôn Tân Định và cống của đường 569 thôn Xuân Hải. Đập dâng nước phía hạ lưu tràn của hồ Điếu Gà bị vỡ 7m.

Đến chiều tối 2/11, lũ lụt trên địa bàn tỉnh Quảng Bình trong mấy ngày qua đã làm 2 người chết, 1 người mất tích và 12 người bị thương do mưa lũ. Về tài sản có hơn 18.000 nhà dân bị ngập cùng nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở, công trình hạ tầng bị hư hại, tập trung chủ yếu ở các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy, Bố Trạch, Quảng Trạch. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhiều địa phương cơ bản nước lũ đã rút, tình trạng ngập lụt đang giảm dần.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Ngọc Phụng - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai Quảng Bình cho biết, tổng thiệt hại ban đầu ước tính 47,5 tỷ đồng. Trước tình hình mưa lũ, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu các ngành, địa phương rà soát phương án phòng chống lũ lụt, phương án điều tiết nước, đảm bảo an toàn hồ đập cũng như an toàn vùng hạ du. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, dặn dò các em học sinh và các bậc phụ huynh về các biện pháp đảm bảo an toàn mưa lũ, trong trường hợp cần thiết có thể cho các em học sinh vùng ngập lụt, các vùng bị chia cắt nghỉ học để giảm thiểu tối đa thiệt hại về người trong mưa lũ.
Đặc biệt, hướng dẫn Nhân dân các địa phương, đơn vị tập trung thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, không trông chờ vào sự hỗ trợ, chủ động tích trữ lương thực, thực phẩm nước uống đủ dùng trong thời gian mưa lũ bị chia cắt, tối thiểu 7 ngày.