Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng cáo nhao theo Đại lễ 1.000 năm Thăng Long

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhiều doanh nghiệp quảng cáo nghĩ ra trăm phương ngàn kế để cuối cùng đặt được những tấm bảng, biển, màn hình LED vào vị trí đắc địa bất chấp quy định của luật pháp.

KTĐT - Nhiều doanh nghiệp quảng cáo nghĩ ra trăm phương ngàn kế để cuối cùng đặt được những tấm bảng, biển, màn hình LED vào vị trí đắc địa bất chấp quy định của luật pháp.

Những thông điệp mà những tấm biển này “quảng bá” cho Hà Nội đôi khi phản cảm và thách thức dư luận hơn là phổ biến thông tin hữu ích cho người dân, tuyên truyền 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Chào

Pico Plaza  (!?)

Từ tháng 10 lại đây, hàng trăm ngàn người tham gia giao thông dường như đã phải nghiêng mình chào biển quảng cáo (!) mỗi khi đi dưới cầu vượt Ngã Tư Sở hướng Trường Chinh - Láng và ngược lại.

Trên thành của cây cầu vượt vắt qua con đường, người ta gắn một màn hình màu đen ở chính giữa và hai bên là hai tấm biển Pico Plaza. Trên tấm hình LED như dải khăn đen vắt trên thành cầu, ban ngày chỉ le lói những dòng chữ nhỏ chạy ở giữa bảng điện tử với những khẩu hiệu: “An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi nhà”; “Hà Nội - Thành phố vì hoà bình”, “ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”...

Khác với sự nhạt nhòa của những dòng chữ này là sự hoành tráng của hai bảng chữ gắn đèn “Pico Plaza” đặt ngay hai bên tấm bảng đen. Dòng chữ “Pico Plaza” có chiều cao gấp gần 3 lần những dòng chữ chạy trong bảng LED ở giữa và có chiều dài tương đương với băng chữ trong bảng.

Do chữ “Pico Plaza” to, màu sắc bắt mắt lại được đặt trên làn đường chính nên hầu hết người dân qua gầm cầu vượt đều ngước nhìn. Thay vì nhìn thấy dòng chữ nhỏ “1.000 năm Thăng Long- Hà Nội”, người ta dường như đang phải ngẩng đầu chào “Pico Plaza” hàng ngày!

Vì sao cái bảng thực chất là quảng cáo này lại được nằm vắt vẻo trên cầu vượt Ngã Tư Sở bất chấp Luật Giao thông đường bộ, bất chấp Quy chế quảng cáo số 94 của thành phố Hà Nội?

Chúng tôi được biết, ngày 7/9/2009, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó GĐ Sở VHTT&DL Hà Nội có văn bản số 2134 “chấp thuận thực hiện đề án tuyên truyền vận động ý thức mọi người khi tham gia giao thông của Cty TNHH Khoa Phát”.

Theo văn bản này, Sở VHTT&DL đồng ý để Cty Khoa Phát được lắp đặt bảng LED điện tử với những nội dung tuyên truyền các sự kiện chính trị, ngày lễ, tết của thủ đô và văn hóa trong giao thông kết hợp quảng cáo cho nhà tài trợ tại mặt ngoài hai bên thành cầu vượt Ngã Tư Sở và Ngã Tư Vọng. Theo đó, mỗi bên thành cầu Ngã Tư Sở được gắn một bảng LED (10mx1,5m); 2 bảng quảng cáo (6m x 1,3m). Thời gian khai thác hệ thống quảng cáo này là 4 năm (đến 2013).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo số 205/2006 và mới đây là quy chế số 94/2009 của UBND TP Hà Nội đều không đưa danh mục công trình cầu vượt (cơ giới) làm địa điểm treo quảng cáo. Việc Cty Khoa Phát lắp bảng điện tử để “tuyên truyền giao thông và văn hóa Thủ đô” có dấu hiệu chỉ là cái vỏ bọc cho hợp đồng quảng cáo giữa Cty này với Pico Plaza.

Có sự trớ trêu, ngược đời trong việc cho lắp biển quảng cáo trên cầu vượt với những khẩu hiệu tuyên truyền về an toàn giao thông vì Luật nghiêm cấm việc lắp đặt biển quảng cáo làm giảm sự chú ý của người đi đường.

Được biết, khi Cty Khoa Phát trình đề án, dưới gầm cầu vượt Ngã Tư Sở còn là một ngã tư. Nay do tổ chức giao thông lại, dưới gầm cầu không còn giao cắt, hướng đi Trường Chinh - Láng là trục đi thẳng. Các phương tiện giao thông đi với tốc độ khá cao và vì vậy việc treo trên thành cầu những tấm biển quảng cáo ánh sáng rực rỡ và chuyển động sẽ làm phân tán sự chú ý của người tham gia giao thông. Vậy thực chất đây là biển tuyên truyền an toàn giao thông hay gây mất an toàn giao thông?

Nút Kim Liên cũng được nhắm tới!

Gần đây, UBND TP Hà Nội có văn bản giao cơ quan chức năng xem xét đề xuất của doanh nghiệp xin quảng cáo ngay tại nút Kim Liên khi công trình còn chưa hoàn thành. Vậy là, nút giao thông quan trọng bậc nhất Hà Nội vừa được đầu tư hàng trăm tỷ đồng để giảm ùn tắc  cũng trở thành mục tiêu để nhiều doanh nghiệp quảng cáo nhòm ngó.

Tại điểm  E, khoản 2, điều 35 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: “Không được thực hiện các hành vi sau đây: Lắp đặt biển hiệu, biển quảng cáo hoặc thiết bị khác làm giảm sự chú ý, gây nhầm lẫn nội dung biển báo hiệu hoặc gây cản trở người tham gia giao thông”.

Ngày 13/7/2009, UBND TP  Hà Nội ký văn bản số 6530 gửi các sở VHTT&DL, GTVT, Ban Quản lý dự án Trọng điểm phát triển đô thị về việc “xem xét lắp đặt biển hộp đèn quảng bá hình ảnh quan hệ hữu nghị Việt Nhật, tuyên truyền an toàn giao thông tại cầu vượt Ngã Tư Sở và nút Kim Liên của Cty TNHH quảng cáo và thương mại Toàn Cầu” theo đề xuất của Cty này.

Như đã đề cập, cả nút giao thông Kim Liên và cầu vượt Ngã Tư Sở đều không có trong danh mục địa điểm được quảng cáo. Và vì thế, muốn được treo biển quảng cáo trên các khu vực này thì đề án quảng cáo phải được gắn với những mỹ từ như “tuyên truyền an toàn giao thông” và thậm chí là cả sự lồng ghép tuyên truyền có các sự kiện chính trị, chẳng hạn “Quảng bá quan hệ hữu nghị Việt - Nhật” (?)

Điều đáng nói là, trong văn bản của mình, UBND TP Hà Nội lại “chấp thuận về nguyên tắc đề xuất của Cty TNHH quảng cáo thương mại Toàn Cầu” (?) Đồng thời giao các đơn vị liên quan hướng dẫn Cty về các nội dung tuyên truyền, quảng bá! 

Tiếc rằng, trước đó, tại cầu vượt Ngã Tư Sở, một Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội  khác đã giao các sở xem xét giải quyết đề nghị của Cty Khoa Phát nên Cty Toàn Cầu đã không có cơ hội.

Về phần quảng bá, quảng cáo tại nút giao thông Kim Liên, mới đây trao đổi với Tiền Phong, bà Thùy Anh, trưởng phòng Quản lý Văn hóa, Sở VHTT&DL Hà Nội cho biết “Sở chưa nhận được văn bản số 6530 của thành phố Hà Nội”.