Dân đi đường vòng qua sông
Cầu Sông Lĩnh nằm trên tuyến đường liên xã của huyện Quế Sơn, phục vụ nhu cầu đi lại, giao thương, phát triển kinh tế của người dân thị trấn Đông Phú với 2 xã Quế Long, Quế Phong… Sau nhiều năm sử dụng, cầu Sông Lĩnh đã xuống cấp nghiêm trọng nên được gỡ bỏ để xây dựng cây cầu mới, đảm bảo an toàn cho người dân khi lưu thông. Tuy nhiên, chưa kịp vui mừng khi thấy cây cầu Sông Lĩnh mới xây dựng thì người dân phải khốn khổ, chịu cực đi đường vòng hơn 5km để qua sông vì công trình thi công chậm, đường tạm làm xong đã bị nước sông cuốn trôi mất. Người dân rất bức xúc trước thực trạng trên, đặc biệt là khi mùa mưa bão đang cận kề.
Bà Nguyễn Thị Học (68 tuổi, trú thị trấn Đông Phú) cho biết, lâu nay người dân đi lên xã Quế Long hay ngược về thị trấn Đông Phú chỉ có đi qua cây câu Sông Lĩnh này vì thuận tiện. Tuy nhiên, khi xây dựng cầu mới, đơn vị thi công đã gỡ bỏ mất cây cầu cũ. Họ làm một con đường dẫn tạm thời để dân lưu thông qua lại. Thế nhưng, con đường tạm này đặt dưới lòng sông nên chỉ cần một trận mưa lớn, nước sông dâng cao là cuốn phăng ngay.
“Khi nghe thông tin huyện đầu tư kinh phí, cho xây lại cây cầu Sông Lĩnh mới, bà con chúng tôi vui mừng lắm. Thế nhưng, việc phá bỏ cây cầu cũ trong khi đường tạm lại được đặt dưới lòng sông là không hợp lý. Ảnh hưởng của cơn bão số 5 và 6 vừa qua gây mưa lớn, nước sông dâng cao, chảy xiết, cuốn phăng mất con đường. Người dân chúng tôi phải đi đường vòng nhỏ, hẹp hơn 5km từ thị trấn Đông Phú qua Quế An rồi đèo Eo Gió mới đến được xã Quế Phong, rất khó khăn”, bà Học nói.
“Thương nhất là mấy cháu học sinh ở Quế Long và Quế Phong. Trưa nắng chang chang mà các cháu phải đạp xe đi đường vòng mấy cây số để đến trường theo đuổi con chữ. Nhất là khi trễ giờ học, chúng nó vác xe đạp lội qua sông cho kịp giờ. Mưa xuống thì nước dâng cao, ngập cả khu vực cầu, các cháu qua lại rất nguy hiểm”, ông Lý Xuân Ngọc (56 tuổi), người dân xã Quế Long chia sẻ.
Còn ông Mai Xuân Sáu (59 tuổi, trú xã Quế Long) rất bất bình trước việc thi công dang dở của cây cầu này. “Họ làm vậy không biết bao giờ cây cầu này mới xong, trong khi mùa mưa bão sắp tới. Đã thế, mỗi lần đơn vị thi công cho nổ mìn phá đá dưới lòng sông khiến nhà tôi và một số hộ khác bị rung lắc mạnh, cứ kéo dài thì tôi sợ tường nhà mình bị nứt”, ông Sáu nói.
Nhiều người dân sống tại khu vực cầu Sông Lĩnh đều mong muốn cơ quan chức năng sớm thúc đẩy chủ đầu tư và đơn vị thi công khẩn trương hoàn thành trước mùa mưa bão năm nay để tạo thuận lợi cho việc đi lại, kết nối giao thương.
Dự kiến cuối năm sẽ thông xe
Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị sáng 30/9, tại công trình thi công chỉ có khoảng 4 công nhân ngồi đục đá, 1 xe múc đang múc đất, gia cố lại con đường tạm cho người dân đi qua lại. Hiện, cầu Sông Lĩnh mới thi công được 2 nhịp cầu, 1 móng cầu và chưa có đường dẫn nối lên cầu. Bên cạnh đó, đơn vị thi công dự án đang chặn, làm thay đổi dòng chảy để thi công các hạng mục, móng, nhịp cầu. Nhiều phương tiện lưu thông đến cầu đều phải quay đầu hoặc đi đường vòng để đến trung tâm huyện và ngược lại.
Được biết, dự án cầu Sông Lĩnh có tổng vốn đầu tư hơn 12,8 tỷ đồng, trong đó việc xây lắp hơn 10 tỷ đồng. Dự án sử dụng nguồn vốn đối ứng ngân sách của huyện Quế Sơn và do Ban quản lý Dự án và quỹ đất huyện Quế Sơn làm chủ đầu tư. Kết cấu cầu Sông Lĩnh gồm 5 nhịp cầu, mỗi nhịp cầu dài khoảng 9m, tổng chiều dài cây cầu khoảng 45m, rộng khoảng 10m. Cầu Sông Lĩnh bắt đầu thi công từ cuối 2/2021 đến nay.
Cầu Sông Lĩnh thi công dang dở dẫn đến người dân đi lại khó khăn, nhất là các em học sinh ở xã Quế Phong. Trước thực trạng này, Chủ tịch UBND xã Quế Phong Nguyễn Văn Sơn cho biết đã có tờ trình gửi UBND huyện Quế Sơn và các phòng ban liên quan, yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy triển khai.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Cao Ngọc Luyến - Phó Ban quản lý Dự án và quỹ đất huyện Quế Sơn cho hay: “Việc cầu Sông Lĩnh thi công chậm nguyên nhân do tại khu vực này có nhiều đá. Đơn vị thi công phải cho nổ mìn phá đá để làm nhìm và móng cầu. Sắp tới, đơn vị thi công sẽ chặn, làm thay đổi dòng chảy nhằm tạo thuận lợi cho việc thi công. Dự kiến cuối năm 2021, cầu Sông Lĩnh sẽ hoàn thành và tổ chức thông xe”.
Ông Luyến cho biết thêm, qua khảo sát địa hình và đánh giá thực tế địa điểm thi công, chỉ có vị trí ở cầu cũ là thuận lợi cho việc thi công nên buộc phải gỡ bỏ cầu cũ để tạo đủ diện tích xây cầu mới.