Hoạt động nhằm hướng đến mục tiêu chính là chuyển đổi số để phục vụ người dân, doanh nghiệp và hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia (10/10).
Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại hội trường khách sạn Cẩm Thành, trực tuyến đến 13 điểm cầu cấp huyện, 173 điểm cầu cấp xã trong tỉnh và các điểm cầu có diễn giả tại Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Lệ Quyên - Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày tham luận về nội dung: “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025”.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ Quyên, các hoạt động chuyển đổi số có thể bao gồm: Số hóa dữ liệu quản lý, kinh doanh của doanh nghiệp; áp dụng công nghệ số để tự động hóa, tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ, quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, quy trình báo cáo, phối hợp công việc trong doanh nghiệp; chuyển đổi toàn bộ mô hình kinh doanh, tạo thêm giá trị mới cho doanh nghiệp.
“Lợi ích của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp gồm: Mở rộng tập khách hàng và thị trường tiềm năng; gia tăng trải nghiệm khách hàng; sáng tạo các sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu; tối ưu chi phí vận hành, chi phí nhân sự; tăng hiệu suất kinh doanh và sản xuất; lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng, chính xác” - bà Nguyễn Thị Lệ Quyên nói.
Tại hội thảo, các đại biểu còn được nghe chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số chia sẻ nhiều nội dung khác như: Định hướng chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi; Nền tảng chuyển đổi số và giải pháp cho chính quyền số; Chuyển đổi số cùng hệ sinh thái VNPT AI; Một số đề xuất, định hướng chuyển đổi số cấp huyện; Bộ giải pháp chuyển đổi số ngành Giáo dục....
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền, hội thảo là dịp để nâng cao nhận thức và sự hiểu biết của cán bộ, công chức, viên chức và người dân trên địa bàn tỉnh về công tác chuyển đổi số, nắm bắt về những chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp, các biện pháp, giải pháp, cách làm về chuyển đổi số đối với một số ngành, lĩnh vực
Ông Trần Phước Hiền cũng yêu cầu, sau hội thảo, tất cả lãnh đạo các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã tiếp tục tăng cường quán triệt chủ trương của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số.
“Chuyển đổi số bắt đầu từ công dân số, do đó, phải xây dựng lớp công dân số mới nhằm đảm bảo hiệu quả của chuyển đổi số bền vững lâu dài. Đồng thời, quá trình chuyển đổi số phải diễn ra toàn diện, đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã; phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực của chuyển đổi số” - ông Trần Phước Hiền nhấn mạnh.
Thực hiện chương trình chuyển đổi số Quốc gia, Quảng Ngãi đã bắt đầu triển khai từ năm 2020, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên đến năm 2022 mới thực sự tập trung cao độ. Vì thế, kết quả từ năm 2020 đến nay so với cả nước chỉ đạt ở mức trung bình.
Tuy nhiên, có một số nhiệm vụ tạo được điểm nhấn, mang lại những chuyển biến rõ nét, hướng đến hình thành chính quyền số, xã hội số. Điển hình là Hệ thống Cổng dịch vụ công - Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh đã thực hiện tích hợp khoảng 500 dịch vụ công trực tuyến của tỉnh lên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Ngoài ra, tỉnh đã đưa vào vận hành thử nghiệm Trung tâm Điều hành thông minh (IOC); tổ chức thực hiện những nhiệm vụ truyền thông tuyên truyền về cải cách hành chính và phát trên các nền tảng số, màn hình led...
Hiện nay, Quảng Ngãi tập trung triển khai thực hiện nền tảng phát thanh số trên địa bàn tỉnh; Duy trì vận hành IOC, tiếp tục phối hợp rà soát, phát triển, tích hợp các phân hệ đã triển khai trên IOC; Tiếp tục hoàn thiện phần mềm Cổng dịch vụ công - Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh (iGate 2.0) và kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; Tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong công tác chuyển đổi số, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.