Nhìn lại chương trình OCOP
Được thực hiện từ năm 2019 đến nay, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở tỉnh Quảng Ngãi đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và đạt những kết quả ban đầu rất quan trọng.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Bạch Ngọc Thêm, từng là địa phương duy nhất ở Quảng Ngãi “trắng” sản phẩm OCOP nhưng đến cuối năm 2023, Sơn Tây đã có 3 sản phẩm được công nhận là bưởi da xanh Soli, măng mứa khô Soli và ổi Ruby.
Đây là các sản phẩm nông nghiệp chất lượng, giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất quy mô lớn. Qua đó, giúp người dân trên địa bàn huyện quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa ra thị trường, mở hướng làm ăn mới đem lại thu nhập cao và ổn định để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Báo cáo của Sở N&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho thấy, năm 2023, toàn tỉnh đã có thêm 100 sản phẩm đạt OCOP, trong đó có 10 sản phẩm 4 sao và 90 sản phẩm 3 sao, vượt 50 sản phẩm so với kế hoạch.
Thời điểm hiện tại, tỉnh Quảng Ngãi có 191 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 17 sản phẩm OCOP 4 sao và 174 sản phẩm OCOP đạt 3 sao. 13/13 địa phương đều có sản phẩm OCOP.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền, năm 2023 là năm thành công của Chương trình mỗi xã một sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân thông qua việc tiêu thụ các sản phẩm OCOP, phát huy giá trị của các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Kết quả này đã được Bộ NN&PTNT đánh giá cao. Nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, địa phương và các chủ thể đã tạo ra những sản phẩm OCOP chất lượng tốt, tạo được niềm tin của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Đặt mục tiêu có sản phẩm 5 sao
Năm 2024, Quảng Ngãi phấn đấu có thêm 100 sản phẩm đạt OCOP từ 3-5 sao; trong đó 4-6 sản phẩm được UBND tỉnh cấp giấy Chứng nhận đạt OCOP 4 sao và 1 -2 sản phẩm đạt OCOP 5 sao cấp Trung ương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền khẳng định, quan điểm xuyên suốt của tỉnh trong Chương trình OCOP là nâng cao chất lượng, mẫu mã, khẳng định thương hiệu sản phẩm OCOP Quảng Ngãi trên thị trường.
Sắp tới, có nhiều sự kiện lớn được tổ chức, là cơ hội tốt để trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP như chương trình “Sắc quê Quảng Ngãi” tại Hà Nội; “Tuần lễ sản phẩm OCOP”, sản phẩm vùng miền và công nghệ sản xuất - chế biến bảo quản nông sản tại TP Hồ Chí Minh theo chương trình hợp tác tỉnh Quảng Ngãi và TP Hồ Chí Minh năm 2024; liên hoan sản phẩm, ẩm thực OCOP và không gian du lịch nông thôn, cộng đồng năm 2024; hướng dẫn các địa phương trong việc phát triển sản phẩm OCOP...
Do đó, yêu cầu các Sở, ngành, địa phương tiếp tục thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm, tiến hành rà soát lại các sản phẩm OCOP hiện có, nghiêm túc xử lý đối với các sản phẩm không duy trì tiêu chuẩn sản phẩm 3 sao, 4 sao.
Hỗ trợ các địa phương, chủ thể OCOP các nội dung về sở hữu trí tuệ, đăng ký mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa.
Các Sở, ngành, địa phương rà soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành phân công nhiệm vụ của các sở, ngành hỗ trợ cho các chủ thể thực hiện Chương trình OCOP; các địa phương chủ động, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ thể mở rộng sản xuất.