Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những người mẹ làng biển

Đỗ Quyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Thời gian được cho là phương thuốc chữa lành mọi vết thương, nhưng với những người mẹ mất con trong cơn bão Chanchu 18 năm trước, nỗi đau vẫn in hằn trong từng nhịp thở.

Nỗi đau Chanchu

Nơi góc nhỏ của con đường chính chạy dọc xã biển Nghĩa An (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi), bà Đinh Thị Nhanh (66 tuổi, xóm 3, thôn Tân An) cặm cụi thu dọn đồ đạc sau một buổi sáng bận rộn.

Quán nhỏ ven góc đường là nơi bà Nhanh kiếm thu nhập hàng ngày.
Quán nhỏ ven góc đường là nơi bà Nhanh kiếm thu nhập hàng ngày.

Khi sức khỏe đã suy yếu, không thể vác nổi đôi quang gánh bán cá mưu sinh, 5 năm qua, bà Nhanh chuyển qua bán bánh xèo, bún mắm cho người dân làng chài. Biến cố trong cuộc đời cộng với thời gian, tuổi tác và đau ốm đã khiến tấm lưng của bà ngày một còng hơn.

“Mấy đứa nó mà còn thì giờ tôi khỏe lắm, không cần vất vả kiếm ăn…”, bà Nhanh vừa nói, vừa đấm đấm vào phần lưng tê nhức và thẫn thờ nhớ về cơn bão kinh hoàng đã cướp đi 3 đứa con của bà khi đang độ tuổi đôi mươi, chưa có ai thành gia thất.

Ngược thời gian quay về năm 2006, lúc ấy bà Nhanh có 6 đứa con gồm 4 trai, 2 gái. 3 đứa con trai lớn cùng 8 bạn thuyền là anh em, bà con trên tàu mang số hiệu 7053 của chính gia đình bà Nhanh vượt sóng ra khơi.

“Nếu còn sống, đứa lớn nhất Võ U năm nay 44 tuổi, đứa thứ nhì Võ Dũng 38 tuổi, còn đứa thứ ba Võ Hùng 35 tuổi. Bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in hình dáng tụi nó lúc vác lưới đi biển hoặc ngồi nấu cơm, nấu cháo heo trong bếp. Ngày 3 anh em khởi hành, tôi xuống bến lo mua đồ đạc để tụi nó mang theo. Tàu nhổ neo, mấy đứa bảo: “Má về đi”, nhưng tôi vẫn đứng ngóng, có ai ngờ đó là lần cuối…”, bà Nhanh xót xa.

Tàu đi khai thác, bà Nhanh cùng chồng ở nhà thấp thỏm đếm ngày. Thường mỗi chuyến đi biển xa mất khoảng 1 tháng 10 ngày. Lần đó, bà đếm đã 1 tháng 8 ngày thì hay tin dữ.

“Tàu đang trên đường về thì nghe có gió nên lại chạy ngược ra. Ai mà ngờ  đi vào tâm bão. Tôi nhớ mãi sáng ngày 18/4 âm lịch, tôi với bà con trong xóm hớt hải chạy xuống thôn Phổ An nhờ người ta điện ra. Tàu 7053 không ai nghe máy, liên hệ qua tàu khác thì chỉ nghe được bập bõm: “53 bị luộc rồi, đang kiếm”. Tôi ngất lịm”, bà Nhanh trào nước mắt.

Bà Nhanh đau xót nhớ lại chuyện cũ.
Bà Nhanh đau xót nhớ lại chuyện cũ.

Chuỗi ngày dài vô tận sau đó, bà Nhanh không rõ bằng cách nào có thể vượt qua. Trong ký ức của người mẹ mất con chỉ mang máng nhớ những lần ngã lăn ra đất, được xóm giềng mang đi bệnh viện truyền nước. Những lần chủ nợ đến nhà ầm ĩ đòi tiền và vô số lời trấn an của mọi người “Sẽ tìm được tụi nó thôi”. Chồng bà- ông Võ Ốc nằm kiệt quệ như xác không hồn, 3 đứa con nhỏ cũng như chết điếng giữa mất mát quá lớn…

“Những ngày ấy, túm gạo, con cá, sự chăm nom, hỗ trợ của bà con trong xóm và chính quyền đã đưa gia đình thoát khỏi bờ vực thẳm. Rồi mình cũng phải sống, còn 3 đứa con nhỏ phải lo, cả mấy đứa con của chú ruột tụi nó nữa. Chú cũng nằm trong số 11 người trên tàu”, bà Nhanh nói.

Kể từ đó, gia đình bà từ bỏ nghề biển, chỉ loanh quanh làm bờ để đắp đổi qua ngày. Người con trai út khi ấy mới 7 tuổi, cũng bị bà Nhanh cho đi học muộn hơn so với các bạn cùng trang lứa.

“Mất cùng lúc 3 con, tôi sợ lắm. Còn lại mỗi một đứa, lên trường thấy tụi nhỏ đánh nhau, tôi lo không giữ được con nên cho ở nhà mấy năm. Giờ nó 25 tuổi rồi, đang năm 2 đại học. Nó rất sợ biển….”, bà Nhanh nói.

“Cơn bão” ở trong lòng

Bị thiệt hại nặng nề sau trận bão lịch sử, xóm 3 (thôn Tân An, xã Nghĩa An) gắn liền với tên gọi “xóm Chanchu” - cái tên mà những người dân làng chài luôn né tránh bởi không muốn nhắc lại quá khứ tang thương.

Hàng năm, ngày 19, 20, 21 tháng 4 âm lịch (tức ngày 16, 17, 18/5/2006) được người dân xóm 3 chọn để làm giỗ cho 22 người đã vĩnh viễn nằm lại biển khơi do bão Chanchu.

Trong căn nhà đơn sơ, bà Lương Thị Hà (70 tuổi, thôn Tân An) nặng nhọc bước chân lên căn gác nhỏ, lập cập thắp nén hương. Trong số những di ảnh trên bàn thờ, có con trai của bà- Nguyễn Văn Em, thường được gọi là Hùng. “Nó mất năm 2006, do bão Chanchu. Năm đó nó mới 26 tuổi”, bà Hà run run.

Bà Hà vẫn luôn nhớ về người con trai đã bị bão Chanchu cướp mất.
Bà Hà vẫn luôn nhớ về người con trai đã bị bão Chanchu cướp mất.

Đi gần hết cuộc đời với nhiều chông gai, mất mát, nhưng với bà Hà và những người mẹ ngư dân làng biển, mất con là nỗi đau lớn nhất trong đời. Dẫu vậy, họ vẫn gắng gượng sống tiếp để lo cho gia đình.

 

Cơn bão Chanchu năm 2006 gây thiệt hại lớn cho người dân địa phương, nặng nhất là tại xóm 3 thôn Tân An. Nhiều gia đình đã vĩnh viễn mất đi người thân. Các cấp chính quyền rất quan tâm, hỗ trợ về vật chất và tinh thần để vượt qua thương đau, họ ổn định cuộc sống”, Chủ tịch UBND xã Nghĩa An Phạm Thị Công cho biết.

“Tôi cứ lúc tỉnh lúc mê, có lần lên cơn lại chạy ra biển kiếm con. Nó dự định đi xong chuyến biển là về nhà hỏi vợ. Rồi nó mãi mãi không về”, bà Hà nhớ lại.

Giờ nhà bà Hà vẫn còn một đứa con trai út Nguyễn Văn Tân (33 tuổi) theo nghề biển. Mỗi lần nghe tin trời nổi gió, nỗi ám ảnh năm xưa lại tràn về, dồn dập như những cơn sóng lớn. Ruột gan bà lại như có lửa thiêu đốt. Bão Chanchu đã qua gần 2 thập kỷ, nhưng nỗi đau của sự mất mát lại là “cơn bão” chưa bao giờ ngưng nghỉ.

Một góc xã Nghĩa An.
Một góc xã Nghĩa An.

“Sinh ra và lớn lên ở đây, 73 năm cuộc đời, tôi chưa từng chứng kiến cảnh mất mát, thê lương nào hơn trận bão Chanchu. Giờ tàu lớn hiện đại, thông tin liên lạc dễ dàng và dự báo về gió bão cũng chính xác hơn, chỉ mong những nỗi đau đừng tái diễn”, bà Phạm Thị Voan (73 tuổi, thôn Tân An) dõi mắt nhìn ra biển, miên man…

18 năm trôi qua, mọi thứ đã đổi thay, cuộc sống của các gia đình có người thân bị biển cướp mất cũng đã ổn định. Nhưng những người mẹ mất con vẫn nuôi hy vọng, một ngày nào đó, người thân của họ sẽ trở về, dù hy vọng đó còn mong manh hơn cả bọt nước.