Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi: Hàng nghìn mét bờ biển bị sạt lở

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Khoảng 2km bờ biển ở thôn thôn Tuyết Diêm 1 (xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đang bị xâm thực nặng, không ít khu vực bị sóng biển khoét sâu thành những hàm ếch khổng lồ.

Vài tháng qua, triều cường xâm thực làm bờ biển dài gần 2km khu vực Hòn Cóc (thôn Tuyết Diêm 1, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) bị sạt lở nghiêm trọng. Nhiều khu vực bị biển xâm thực tạo thành hàm ếch, khoét sâu vào đất liền.

Triều cường khoét sâu vào đất liền, tạo thành hàm ếch.
Triều cường khoét sâu vào đất liền, tạo thành hàm ếch.

Theo quan sát của phóng viên, tại hiện trường, hàng trăm mét khối đất, cát bị sóng biển cuốn trôi. Những công trình như cống thoát nước, bậc thang ra biển bằng bê tông xi măng… cũng bị sóng đập vỡ.

Bên cạnh đó, nhiều nền, móng nhà của người dân bị sóng kéo sập xuống. Sạt lở lấn sâu vào bờ, có nơi từ 3-5m, tạo thành những vách đất dựng đứng.

Sạt lở ngày càng diễn biến phức tạp.
Sạt lở ngày càng diễn biến phức tạp.

Bà Bùi Thị Khương (65 tuổi, thôn Tuyết Diêm 1, xã Bình Thuận) cho biết: “Từ mấy tháng nay, sạt lở ngày càng lớn, lấn sâu hơn 3m. Cống thoát nước ban đầu nằm hướng ra biển, bây giờ bị sóng biển làm sạt lở nên đổ sập xuống”.

Cống thoát nước bị hư hỏng bởi triều cường.
Cống thoát nước bị hư hỏng bởi triều cường.

Theo người dân, tình trạng sạt lở xảy ra từ 3 năm trở lại đây và ngày càng phức tạp hơn. Ước tính khoảng 2.000 mét bờ biển từ Đồn Biên phòng Dung Quất đến núi Hòn Cóc đã bị triều cường bào mòn, làm sạt lở. 

Qua mỗi mùa mưa bão, biển lại càng lấn sâu vào đất liền.
Qua mỗi mùa mưa bão, biển lại càng lấn sâu vào đất liền.

“Lúc trước biển nằm ở ngoài xa, giờ lấn vào tận 6,7m rồi. Mỗi lần vào mùa động là biển tiến sâu thêm vào, giật đổ ngã cây cối”, ông Mai Văn Xế (thôn Tuyết Diêm 1) lo âu.

Sạt lở không chỉ gây ra tình trạng mất đất, đe doạ đường giao thông mà còn ảnh hưởng hành lang an toàn của một số công trình thuộc Nhà máy lọc dầu Dung Quất và khu vực Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Dung Quất.

Bậc thang dẫn ra biển bị sóng đánh vỡ tan.
Bậc thang dẫn ra biển bị sóng đánh vỡ tan.

Những ngày qua, bê tông vỡ, gạch, đá, hay những vật liệu có khả năng ngăn sóng biển đều được cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Dung Quất tận dụng san lấp, gia cố các điểm sạt lở. Tuy nhiên, những nỗ lực này cũng chỉ như "muối bỏ biển" trước nạn triều cường xâm thực diễn ra hàng năm.

Cán bộ, chiến sĩ biên phòng gia cố các điểm sạt lở.
Cán bộ, chiến sĩ biên phòng gia cố các điểm sạt lở.

Phó đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Dung Quất, Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi - Thiếu tá Huỳnh Thanh Phúc cho hay: "Hiện đơn vị đã cử từ 10 đến 15 cán bộ, chiến sĩ để tổ chức kè một số vị trí sạt lở. Tuy nhiên đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời".

Khu vực bờ biển bị sạt lở có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Khu vực bờ biển bị sạt lở có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng.

Khắc phục sóng biển xâm thực, sạt lở đất bằng các biện pháp căn cơ, lâu dài ở khu vực bờ biển nói trên là đang là việc làm cấp thiết. Bởi lẽ, mỗi tấc đất nơi đây đều có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo quốc phòng, an ninh và phát triển công nghiệp ở Khu kinh tế Dung Quất của tỉnh Quảng Ngãi.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thuận Nguyễn Thanh Hiếu, chính quyền địa phương đã nắm bắt tình hình qua phản ánh của người dân cũng như Đồn biên phòng.

Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thuận Nguyễn Thanh Hiếu.
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thuận Nguyễn Thanh Hiếu.

"Trước mắt, UBND xã Bình Thuận phối hợp Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Dung Quất bàn các giải pháp khắc phục tạm thời như đổ đất, đá ngăn sạt lở. Thời gian đến, xã sẽ có báo cáo gửi UBND huyện và có đề nghị các cấp xem xét đầu tư lâu dài cho bờ biển này", ông Hiếu nói.