Hành trình gian nan
Chị Thu Sang (công chức ở xã Sơn Dung) cho hay: “Việc nhận lương qua thẻ ngân hàng (cụ thể là ngân hàng Agribank) tại huyện Sơn Tây được thực hiện từ đầu năm 2019 đến nay gây nhiều khó khăn. Bởi lẽ Sơn Tây chưa có ngân hàng thương mại nào, cũng không có ATM. Muốn rút tiền thì phải đi xuống trung tâm huyện Sơn Hà”.
Trong khi đó, từ trung tâm huyện Sơn Tây xuống trung tâm huyện Sơn Hà mất vài chục km. Còn nếu từ các xã xa hơn như Sơn Lập (huyện Sơn Tây) thì kể cả chiều đi lẫn chiều về phải mất hơn 100km. Nếu đúng lúc ATM không hoạt động thì… công cốc!
“Những công chức bình thường chỉ nhận lương thì còn đỡ, nhưng nếu làm ở lĩnh vực lao động - thương binh - xã hội, có nhiều khoản tiền cần nhận để chi cho các đối tượng, mỗi lần nhận ít nhất cũng vài trăm triệu đồng. Toàn phải thuê ô tô chạy xuống Sơn Hà rút tiền, chứ một mình đi xe máy nhận tiền xa quá cũng sợ không an toàn”, một cán bộ công tác ở huyện Sơn Tây cho hay.
Đối với ngành giáo dục, việc trả lương qua tài khoản ngân hàng cũng đã gây khó cho không ít giáo viên.
Ông Bùi Thế Giới - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Tây cho hay: “Trong hệ thống giáo dục của huyện hiện có khoảng hơn 500 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Việc chi trả lương qua thẻ thực sự cũng gây nhiều khó khăn cho các giáo viên, nhất là giáo viên cắm bản”.
Hơn 500 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành giáo dục ở Sơn Tây nhận lương qua thẻ ngân hàng. |
Thực tế, có không ít giáo viên mỗi lần đi nhận lương phải lội bộ từ trong các điểm trường ra trung tâm huyện, nếu có xe máy tự chạy xuống thị trấn Di Lăng (huyện Sơn Hà) để rút tiền, còn không có xe, phải thuê người chở xuống. Mỗi lần đi như vậy mất hết một buổi, tốn chi phí đến vài trăm nghìn đồng.
Theo thông tin từ một số công chức, viên chức ở huyện Sơn Tây, thực tế trong thời gian gần đây, ngân hàng Agribank Sơn Hà đã bố trí “ngân hàng lưu động” mỗi tháng có 2 - 3 ngày làm việc tại huyện Sơn Tây để những đối tượng nhận lương qua thẻ ATM có thể thuận tiện hơn khi giao dịch.
Đồng thời, trong số 1.400 người nhận lương qua thẻ ATM, có một số người sử dụng ứng dụng nạp, rút tiền và có thể trực tiếp nhận tiền mặt tại Sơn Tây. Tuy nhiên, phần lớn ý kiến đều cho rằng việc chi trả lương qua tài khoản ngân hàng đối với huyện miền núi như Sơn Tây là chưa phù hợp, lúc cần tiền để xử lý gấp công việc rất bị động.
Các đơn vị liên quan nói gì?
Theo ông Đinh Quang Ven - Quyền Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, toàn huyện có hơn 1.400 cán bộ, nhân viên và người lao động đang công tác, làm việc tại các cơ quan, tổ chức trực thuộc được trả lương qua ngân hàng từ nhiều tháng nay.
“Việc trả lương qua ngân hàng là theo yêu cầu bắt buộc của Kho bạc Nhà nước (KBNN). Chính quyền đã nhiều lần kiến nghị, gửi văn bản gửi cấp thẩm quyền tỉnh Quảng Ngãi, đề nghị cho dựng trụ ATM tại khu vực trung tâm huyện để khắc phục phần nào phiền toái, bức xúc trên, nhưng đến nay vẫn chưa được lắp đặt”, ông Đinh Quang Ven cho biết.
Trong khi đó, theo lãnh đạo ngân hàng Agribank Quảng Ngãi, việc trả lương qua thẻ ATM ở những nơi chưa có ATM hay phòng giao dịch là chưa phù hợp. Chính quyền địa phương nên đề nghị cơ quan có thẩm quyền trả lương bằng tiền mặt cho đến khi nào thuận lợi thì trả qua ngân hàng. Còn riêng trong năm 2019, Agribank Quảng Ngãi chưa thể ATM tại huyện Sơn Tây, vì chi phí đầu tư mỗi trụ khá lớn, từ 600 - 700 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Cần - Giám đốc KBNN tỉnh Quảng Ngãi, KBNN không có quy định bắt buộc nhân lương qua thẻ. “Trong trường hợp này, KBNN huyện Sơn Tây sẽ đảm bảo nguồn tiền để các đơn vị có nhu cầu đến nhận, trả lương cho cán bộ và nhân viên của đơn vị mình. Còn những đơn vị nào không có nhu cầu và muốn nhận lương qua thẻ, KBNN huyện sẽ chuyển”, ông Cần nói.
Tuy nhiên, ông Cần cũng cho rằng cấp thẩm quyền Quảng Ngãi cần có ý kiến với bên ngân hàng để đầu tư, lắp đặt ATM tại huyện Sơn Tây. Bởi lẽ ngoài hoạt động kinh doanh, phía ngân hàng cũng phải chia sẻ (đầu tư lắp đặt ATM) để phục vụ cho người dân và địa phương này.