Theo chính quyền huyện Sơn Hà, núi Làng Bồ (thuộc tổ dân phố Làng Bồ, thị trấn Di Lăng) bắt đầu xuất hiện các vết nứt từ năm 2014 và có hiện tượng sạt lở.
Qua từng năm, vết nứt lớn dần, đặc biệt cơn bão số 9 năm 2020 kèm mưa lớn đã gây sạt lở nhiều vị trí nằm trên taluy dương với mức độ nghiêm trọng. Phía dưới chân núi là khu vực sinh sống của hơn 30 hộ dân, trường THCS Dân tộc nội trú huyện và tuyến Quốc lộ 24B. Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, đây là khu vực có nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở.
Tại buổi kiểm tra hiện trường vào tháng 10/2020, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi có ý kiến chỉ đạo UBND huyện Sơn Hà lập phương án di dời dân vùng sạt lở hoặc lập phương án hạ độ cao. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí để di dời lên đến 80 tỷ đồng và chưa được cấp thẩm quyền bố trí để thực hiện.
Trong khi đó, để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, hạ tầng giao thông và trường THCS dân tộc nội trú thì việc san gạt, hạ độ cao núi Làng Bồ là hết sức cần thiết và cấp bách. Trước tình hình này, UBND huyện Sơn Hà đang đề nghị cấp thẩm quyền cho phép lập phương án khẩn cấp hạ độ cao núi Làng Bồ.
Theo tính toán sơ bộ, sẽ hạ độ cao trung bình từ 120 - 130m, diện tích khu vực san gạt khoảng 12ha, kinh phí thực hiện ước 10 tỷ đồng. Mục tiêu là đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho hơn 30 hộ dân đang sinh sống ở khu vực này, đảm bảo an toàn hạ tầng, giao thông thông suốt và đặc biệt là đảm bảo an toàn của trường dân tộc nội trú huyện với 280 học sinh là người dân tộc thiểu số từ các xã đặc biệt khó khăn về học tập, nội trú khi mùa mưa lũ đến.
Ngoài ra, cũng tại Sơn Hà, từ năm 2013 đến nay, núi Van Cà Vãi (tổ dân phố Làng Dầu, thị trấn Di Lăng) liên tục xuất hiện hiện tượng sạt lở đất, gây nguy hiểm trực tiếp đến an toàn tính mạng, tài sản của 6 hộ dân với 30 nhân khẩu và có nguy cơ ảnh hưởng tuyến đường Di Lăng - Sơn Bao. Sạt lở ở khu vực này cũng được đánh giá ở mức đặc biệt nguy hiểm.
Trong năm 2020, huyện Sơn Hà đã thực hiện di dời các hộ dân ra khỏi phạm vi sạt lở, bố trí nơi ở tạm an toàn và hỗ trợ các nhu yếu phẩm cần thiết, đảm bảo cuộc sống và cắm biển cảnh báo sạt lở đất.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, huyện Sơn Hà đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn khảo sát, đề xuất vị trí xây dựng khu tái định cư, để đi dời các hộ dân vùng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, do ngân sách hạn chế nên việc xây dựng tái định cư còn khó khăn. Trong khi đó, nếu không khắc phục sạt lở tại Van Cà Vãi thì nguy cơ mất an toan toàn cho các hộ dân và ách tắc giao thông sẽ tiếp tục xảy ra trong mùa mưa bão năm 2021 và các năm tiếp theo.
Trước mắt, để đảm bảo an toàn cho các hộ dân và lưu thông trên tuyến đường Di Lăng - Sơn Bao và tỉnh lộ 632 Sơn Hà - Sơn Tây, UBND huyện Sơn Hà đã đưa ra phương án thi công khẩn cấp chống sạt lở tại núi Van Cà Vãi.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, sau khi xem xét về việc sạt lở đất tại khu vực núi Van Cà Vãi và kiến nghị thực hiện xử lý thi công khẩn cấp để khắc phục kịp thời, chống sạt lở trước mùa mưa lũ năm 2021 với vị trí, quy mô khoảng 1,68ha. Dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 3 tỷ đồng. Sở này cũng kiến nghị UBND tỉnh giao công trình cho UBND huyện Sơn Hà tổ chức thực hiện.