Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi: Khoảng 700 giáo viên bị nợ lương do vướng quy định

Nghiêm Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lương là nguồn thu nhập chính của giáo viên, nhưng tại Quảng Ngãi, hàng trăm giáo viên không được trả lương trong suốt 4 tháng qua.

Sống nhờ lương mà không được nhận lương
Cô T., giáo viên hợp đồng trường THCS Nghĩa Hà (TP Quảng Ngãi) cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, cô và một số giáo viên hợp đồng khác trong trường không được thanh toán lương. Giáo viên sống chủ yếu nhờ lương nên tình trạng này đã khiến cuộc sống của cô rất khó khăn.
Hiện trường THCS Nghĩa Hà có 7 trường hợp giáo viên hợp đồng không được thanh toán lương. Số giáo viên này phải làm thêm một số công việc khác ngoài giờ lên lớp để kiếm thu nhập.
“Để hỗ trợ giáo viên bám lớp, nhà trường phải linh động tìm các khoản khác để chi cho giáo viên, nhưng thực sự rất khó khăn”, thầy Trần Công Hùng - Hiệu trường trường THCS Nghĩa Hà cho biết.
 Có đến 700 giáo viên tại Quảng Ngãi không được nhận lương vì vướng quy định.
Trường THCS Nghĩa Hà không phải là trường hợp duy nhất. Ông Nguyễn Văn Hưng - Trưởng phòng GD&ĐT TP Quảng Ngãi cho biết, hiện TP có khoảng 200 giáo viên, nhân viên bị "vướng" quy định nên chưa được thanh toán lương đầy đủ.
“Việc không cho thanh toán lương đối với giáo viên hợp đồng như lâu nay là không đúng thực tế, khá cứng nhắc. Thời gian qua, các điểm trường gặp khó khi phải tìm mọi nguồn kinh phí để chi trả lương cho số giáo viên, nhân viên hợp đồng”, ông Hưng nói.
Không chỉ riêng TP Quảng Ngãi, nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi cũng có tình trạng giáo viên đi dạy không lương kéo dài suốt 4 tháng qua. Theo Sở Nội vụ Quảng Ngãi, hiện toàn tỉnh có khoảng 700 giáo viên hợp đồng ở trong tình trạng này.
Cần biện pháp tháo gỡ kịp thời
Qua tìm hiểu được biết, theo chủ trương chung, từ năm 2019, tất cả các cơ quan, đơn vị phải chấm dứt hợp đồng với người lao động. Tuy nhiên, do không đủ biên chế nên nhiều điểm trường buộc phải ký hợp đồng với giáo viên đến hết năm học 2018 - 2019. Vì “vướng” chủ trương này nên suốt 4 tháng qua việc thanh toán lương cho giáo viên hợp đồng không được chấp nhận.
Ông Đoàn Dụng - Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ngãi cho rằng, giáo dục là ngành đặc thù, vài năm mới tổ chức thi tuyển một lần nên thực tế rất nhiều điểm trường thiếu biên chế giáo viên, nhân viên. Do đó, các điểm trường buộc phải ký hợp đồng lao động để đảm bảo hoạt động.
“Để giải quyết tình trạng không thanh toán được lương cho giáo viên, Sở sẽ có văn bản tham mưu UBND tỉnh đề nghị kho bạc chấp nhận thanh toán lương cho số giáo viên, nhân viên hợp đồng đến ngày 30/6”, ông Dụng cho biết.
 Công văn của UBND TP. Quảng Ngãi về việc chấm dứt hợp đồng lao động tại các cơ sở giáo dục công lập.
Tuy nhiên, cũng theo ông Dụng, kho bạc có cơ sở hợp lý khi không đồng ý thanh toán lương cho số giáo viên, nhân viên hợp đồng. Nghị định 161 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/1/2019 cấm hợp đồng trong đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó, tỉnh phải chỉ đạo chấm dứt hợp đồng với giáo viên. Nếu kho bạc giải ngân thì không có ai chịu trách nhiệm khi kiểm toán nhà nước kiểm tra.
Về giải pháp căn cơ, ông Dụng cho biết tỉnh Quảng Ngãi sẽ tổ chức thi tuyển khoảng 700 biên chế giáo viên và 500 biên chế viên chức khác. Đợt thi này sẽ cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục cũng như một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.