Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi phát triển hạ tầng viễn thông phục vụ chuyển đổi số

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Hạ tầng viễn thông được đầu tư, nâng cấp góp phần nâng cao hiệu quả công tác chuyển đổi số cũng như phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh Quảng Ngãi.

Mô Níc là thôn vùng sâu, vùng xa của xã Sơn Kỳ (huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi), đường sá đi lại khó khăn. Trước đây, người dân Mô Níc muốn liên lạc với mọi người qua điện thoại phải lên đồi cao để bắt sóng di động. Giờ đây, người dân trong thôn có thể dùng điện thoại di động ở bất cứ nơi đâu.

“Có sóng di động, tôi thường xuyên gọi điện cho các con, đứa đi làm ở Tây Nguyên, đứa đang đi học ở trung tâm huyện Sơn Hà. Nhờ có sóng di động mà công việc cũng thuận lợi hơn rất nhiều”- anh Đinh Văn Hoài (thôn Mô Níc) chia sẻ.

Năm 2023, tỉnh Quảng Ngãi còn 11 thôn bị lõm sóng di động hoàn toàn, nằm ở các xã vùng sâu, vùng xa thuộc các huyện miền núi Sơn Tây, Minh Long, Ba Tơ, Trà Bồng, Sơn Hà.

Năm 2023, tỉnh Quảng Ngãi còn 11 thôn bị lõm sóng di động hoàn toàn.
Năm 2023, tỉnh Quảng Ngãi còn 11 thôn bị lõm sóng di động hoàn toàn.

Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai thực hiện xóa vùng lõm. Kết quả, đến năm 2024 các doanh nghiệp đã hoàn thành xây dựng 11 trạm BTS, xóa tình trạng lõm sóng tại các thôn trên địa bàn tỉnh.

Hiện toàn tỉnh Quảng Ngãi có 7 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông. Thời gian qua, các doanh nghiệp này đã không ngừng đầu tư hạ tầng để cung cấp nhiều dịch vụ viễn thông đa dạng ở cả khu vực thành thị và vùng nông thôn, miền núi, vùng cao.

Hạ tầng được chú trọng đầu tư để cung cấp đa dạng các dịch vụ viễn thông.
Hạ tầng được chú trọng đầu tư để cung cấp đa dạng các dịch vụ viễn thông.

Từ đó, đáp ứng nhu cầu tiếp cận, sử dụng các dịch vụ viễn thông, thông tin, giải trí của Nhân dân và bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt là kết hợp nguồn hỗ trợ từ Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để phủ sóng băng rộng di động và cố định đối với các xã, thôn đặc biệt khó khăn, vùng sâu vùng xa, khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Điều này không chỉ giúp giảm bớt khoảng cách số mà còn hỗ trợ cộng đồng trong việc tiếp cận các dịch vụ viễn thông. Đồng thời phân định rõ hoạt động viễn thông công ích và kinh doanh viễn thông.

Theo Phó Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Quốc Huy Hoàng, xóa vùng lõm sóng di động là một chủ trương lớn được Bộ TT&TT triển khai nhằm mục tiêu hỗ trợ việc học tập theo hình thức trực tuyến và thúc đẩy phát triển xã hội số.

Thời gian tới, Sở TT&TT tiếp tục rà soát lại các vùng lõm sóng để báo cáo, đề xuất Bộ TT&TT chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông chú trọng, ưu tiên phát triển hạ tầng viễn thông tại các vùng, khu vực còn lõm sóng, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, triển khai các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển sóng di động 4G...   

Hạ tầng viễn thông tại các vùng, khu vực còn lõm sóng, vùng sâu, vùng xa sẽ tiếp tục được đầu tư.
Hạ tầng viễn thông tại các vùng, khu vực còn lõm sóng, vùng sâu, vùng xa sẽ tiếp tục được đầu tư.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở TT&TT, Quảng Ngãi hiện có mạng thông tin di động với gần 1.800 vị trí cột thu phát sóng (trạm BTS). Sóng 3G, 4G đã phủ đến 100% cấp thôn, đảm bảo lộ trình dừng phục vụ thuê bao chỉ sử dụng máy điện thoại công nghệ 2G.

Bên cạnh đó, mạng cáp quang đã phủ 100% cấp xã và 97,3% cấp thôn. Các doanh nghiệp đã phối hợp chỉnh trang hơn 30km cáp viễn thông hàng năm. Qua đó, góp phần đồng bộ kết cấu hạ tầng viễn thông và đảm bảo an toàn mỹ quan đô thị. Tổng số thuê bao điện thoại ước đạt 1.293.000 thuê bao, tỷ lệ thuê bao điện thoại/100 dân đạt 102%, số thuê bao internet ước đạt 1.160.000.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã ngầm hóa cáp viễn thông khoảng hơn 1.190km, chiếm tỷ lệ khoảng hơn 20% trên tổng số km cáp tại địa phương. Hạ tầng mạng cáp tại TP Quảng Ngãi và thị xã Đức Phổ phần lớn đã được ngầm hóa nhằm tạo mỹ quan đô thị