Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ngãi: tìm giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Quảng Ngãi định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển trở thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của cộng đồng dân cư ven biển. Đồng thời, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái biển và phục vụ phát triển du lịch.

Với khoảng 130km đường bờ biển cùng nhiều cửa sông, luồng lạch, Quảng Ngãi sở hữu điều kiện thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển, ven đảo.

Hiện nay, việc nuôi trồng thủy sản tập trung ở ven biển, ven đảo các địa phương thuộc TP Quảng Ngãi, thị xã Đức Phổ và các huyện: Bình Sơn, Mộ Đức và  Lý Sơn. Đối tượng nuôi chủ yếu ở tỉnh là các loại cá biển như cá bớp, cá mú, cá chim, cá bè, hàu, tôm… Các mô hình này đã góp phần cải thiện kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

Nuôi thủy sản vùng ven biển TP Quảng Ngãi.
Nuôi thủy sản vùng ven biển TP Quảng Ngãi.

Thế nhưng, hiện tại, phần lớn các hộ đều nuôi trồng theo phương thức truyền thống, ít được quan tâm đầu tư hạ tầng, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Môi trường tại các khu vực nuôi biển luôn biến động, chịu ảnh hưởng của thiên tai. Ngoài ra, việc cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển và việc giao khu vực biển cho tổ chức cá nhân nuôi biển liên quan đến nhiều sở, ngành và địa phương, dẫn đến việc triển khai nuôi trồng thủy sản gặp nhiều khó khăn.

Vùng nuôi trồng thủy sản ở đầm nước mặn Sa Huỳnh (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ) được hình thành hơn 15 năm. Thế nhưng, ở gần cảng cá, môi trường nước bị ô nhiễm nên nhiều hộ phải chuyển đổi từ nuôi cá bớp, cá mú sang nuôi hàu. Dẫu vậy, mối nguy từ thiên tai, bão lũ vẫn luôn rình rập.

Bè nuôi hàu bên cầu Thạnh Đức bắc qua đầm nước mặn Sa Huỳnh. 
Bè nuôi hàu bên cầu Thạnh Đức bắc qua đầm nước mặn Sa Huỳnh. 

“Nước lũ từ những ngọn núi phía tây đổ xuống đầm cuốn phăng bè nuôi trôi ra biển. Lắm lúc nước mưa cuốn theo phù sa đỏ quạch làm hàu chết vô số. Những lúc như thế chỉ biết thở dài rồi làm lại từ đầu”- anh Phùng Quốc Trung chia sẻ.

Còn tại huyện đảo Lý Sơn, địa phương đã quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2015 - 2025 tại khu vực biển phía nam đình làng An Hải. Tuy nhiên, khu vực này lại thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn biển Lý Sơn, nên địa phương chưa thể cấp phép cho doanh nghiệp thực hiện dự án.

Lý Sơn có điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái biển lý tưởng để phát triển nuôi trồng thủy sản.
Lý Sơn có điều kiện tự nhiên, môi trường sinh thái biển lý tưởng để phát triển nuôi trồng thủy sản.

Theo Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương, ngoài việc hỗ trợ thủ tục để doanh nghiệp đầu tư phát triển nuôi biển quy mô lớn, công nghiệp, lâu dài với mục đích phát triển kinh tế, huyện Lý Sơn mong muốn UBND tỉnh và các cơ quan chức năng quan tâm nghiên cứu các điểm neo trú lồng bè mùa mưa bão, đảm bảo an toàn tài sản cho doanh nghiệp, người dân.

Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Quảng Ngãi đặt mục tiêu đến năm 2030 diện tích nuôi biển đạt 180.000m3 lồng, sản lượng đạt 800 tấn, tạo được ít nhất 2 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm sau thu hoạch. Cùng đó, có ít nhất 1 dự án nuôi trên vùng biển hở, vùng biển xa bờ quy mô công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2045, nuôi trồng thủy sản trên biển thành lĩnh vực sản xuất hàng hóa, là một bộ phận quan trọng trong ngành nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị sản xuất và sản lượng nuôi của tỉnh.

Định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển trở thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng giá trị nuôi trồng và chế biến; từng bước giảm dần áp lực khai thác, tăng quy mô, năng suất, sản lượng nuôi biển, tạo việc làm và nâng cao thu nhập của cộng đồng dân cư ven biển, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái biển, phục vụ phát triển du lịch.

Để khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, tỉnh Quảng Ngãi đang tập trung thực hiện việc lựa chọn, khảo sát đặc điểm, điều kiện tại các khu vực có tiềm năng nuôi biển trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở để thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nuôi biển.

“Trước mắt, ngành tập trung hoàn thiện các quy hoạch liên quan, làm cơ sở để giao mặt nước cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu nuôi biển theo Luật Thủy sản. Trong số đó, ưu tiên cho những trường hợp đang nuôi thủy sản lồng bè gần bờ, hoặc ngư dân chuyển đổi từ nghề khai thác ven bờ sang nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, khuyến khích người nuôi chuyển đổi vật liệu từ lồng bè gỗ truyền thống sang composite gắn với cơ cấu và bố trí lại vùng nuôi”- Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương cho biết.