Quảng Ninh: Báo chí cánh tay nối dài của truyền thông chính sách

Vĩnh Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 29/9, tại Quảng Ninh báo Nhà báo & Công luận tổ chức Diễn đàn Tổng Biên tập với mong muốn là nơi lãnh đạo cơ quan báo chí có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ áp lực, thách thức hiện các toà soạn đang và đối mặt trong dòng chảy biến động không ngừng của đời sống.

Phát biểu khai mạc ông Nguyễn Đức Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Trong mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính, kỷ luật, kỷ cương, quyết liệt, hiệu lực hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, đảm bảo người dân được thụ hưởng tiến bộ và công bằng xã hội mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh. Những năm gần đây công tác truyền thông chính sách ngày càng được chú trọng, trở thành một phần không thể thiếu trong truyền thông Nhà nước nói chung và truyền thông Chính phủ nói riêng.

Ông Nguyễn Đức Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc. 
Ông Nguyễn Đức Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc. 

Tuy nhiên, phải thừa nhận một thực tế cho tới nay công tác truyền thông chính sách vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều địa phương, Bộ, ban ngành vẫn còn xem nhẹ công tác truyền thông chính sách; thiếu kế hoạch, thiếu chủ động, thiếu chuyên nghiệp trong cung cấp thông tin. Hệ quả là thời gian qua đã để xảy ra không ít sự cố, khủng hoảng truyền thông trên một số lĩnh vực, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước. Báo chí chính thống dù được xem là lực lượng chủ công, là cánh tay nối dài trong việc hỗ trợ truyền thông chủ trương chính sách, đưa thông tin từ Đảng, Nhà nước và những cơ quan bộ ngành, các địa phương đến với người dân, lắng nghe tiếng nói của người dân, từ đó tác động ngược trở lại với những người làm chính sách, nhưng vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn lớn về cơ chế, nguồn lực để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của mình.

Ông Cao Tường Huy – quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại Diễn đàn.
Ông Cao Tường Huy – quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại Diễn đàn.

Ông Cao Tường Huy – quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết “ Diễn đàn Tổng Biên tập truyền thông chính sách – góc nhìn từ các cơ quan báo chí ngày hôm nay vô cùng ý nghĩa, chúng tôi đánh giá cao sự kiện này bởi trong cuộc sống hiện tại thì vai trò của cơ quan truyền thông là không thể thiếu. Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 50 cơ quan báo chí, hơn 100 phóng viên của các báo…Qua đó để thấy rằng các cơ quan ngôn luận tại tỉnh sẽ là cầu nối giúp cho tỉnh kịp thời tiếp cận được các thông tin và thực hiện tốt vai trò của mình. Hy vọng, thông qua Diễn đàn ngày hôm nay với nhiều ý kiến tham luận, các chia sẻ, kinh nghiệm của quý vị đại biểu sẽ là nguồn tư liệu quan trọng để Quảng Ninh tiếp tục có nhiều giải pháp cụ thể để thực hiện có hiệu quả hơn nữa trong công tác truyền thông chính sách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội”...

Toàn cảnh Diễn đàn.
Toàn cảnh Diễn đàn.

Tại Diễn đàn, ông Trương Quốc Huy – Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam chia sẻ: Tỉnh Hà Nam luôn chú trọng đến trong công tác thực hiện truyền thông chính sách, coi việc minh bạch thông tin, thẳng thắn đối thoại là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để bảo đảm việc thực hiện quyền làm chủ của người dân. Trong đời sống hiện nay, báo chí đóng vai trò quan trọng, là công cụ, phương tiện hữu hiệu đưa chính sách đến với cán bộ, nhân dân; kịp thời phản ánh những đề xuất, kiến nghị của người dân với Đảng, Nhà nước về các chính sách, các quy định pháp luật chưa thật phù hợp, về những bất cập, những vướng mắc, bức xúc trong thực tiễn thi hành, chấp hành pháp luật. Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, các thông tin sai lệch về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước được lan truyền với tốc độ nhanh chóng, gây tâm lý hoang mang cho dư luận xã hội. Do vậy, việc minh bạch thông tin, thắng thắn đối thoại chính là chiến lược giúp giảm thiểu rủi ro, tránh gây ra những khủng hoảng truyền thông đáng tiếc. Việc thực hiện hiệu quả truyền thông chính sách sẽ giúp giảm thiểu những điều này. Do đó, cơ quan chức năng cần tháo gỡ những vướng mắc, tạo thêm cơ chế, nguồn lực để báo chí thực hiện truyền thông chính sách được hiệu quả”.

Ông Trương Quốc Huy – Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam phát biểu tại Diễn đàn.
Ông Trương Quốc Huy – Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam phát biểu tại Diễn đàn.

Ông Nguyễn Thành Lợi – Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị cho rằng truyền thông chính sách rất cần các cơ quan báo chí phải thông tin, chính thống kịp thời, chủ động đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thông tin xấu độc, “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu, lấy tích cực, đẩy lùi tiêu cực”, góp phần ổn định xã hội, tâm lý người dân, tăng cường niềm tin vào Đảng, Nhà nước. Bên cạnh công nghệ, phương thức truyền thông mới, góp phần điều tiết, định hướng thông tin dư luận, tạo chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của người dân trong việc tìm hiểu, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng…thực hiện tốt chức năng góp ý, phản biện trong xây dựng chính sách, pháp luật. Tuy nhiên, bên cạnh đó, truyền thông chính sách còn thiếu bài bản, vẫn chủ yếu là một chiều, điều tra, khảo sát, đánh giá tác động chưa được quan tâm hoặc còn hình thức. Việc lấy ý kiến đề nghị xây dựng chính sách và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật hiệu quả còn hạn chế. Việc ứng dụng các công cụ, mô hình truyền thông hiện đại chưa được chú trọng, nhất là chưa phát huy hết vai trò của báo chí truyền thông…

Vì vậy, làm thế nào để truyền thông chính sách thực sự là nguồn lực cho sự phát triển; làm thế nào để báo chí thực sự phát huy hết vai trò của mình trong công tác truyền thông chính sách. Đó cũng là mong muốn của Diễn đàn truyền thông chính sách - góc nhìn từ cơ quan báo chí" với hi vọng sẽ đón nhận được những ý kiến chia sẻ, trao đổi, những giải pháp giàu tâm huyết để công tác truyền thông ngày càng có hiệu quả./.