Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ninh sẽ trở thành vùng đô thị lớn mang tầm vóc quốc tế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 21/3, Bộ Xây dựng đã tổ chức thẩm định Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài 2050. Theo đó, tỉnh Quảng Ninh gồm 1 trung tâm và 4 tiểu vùng, trong đó vùng đô thị Hạ Long sẽ là đô thị trung tâm.

Theo đại diện đơn vị tư vấn Công ty Nikken Sekkei (Nhật Bản), quy hoạch vùng tỉnh Quảng Ninh có diện tích 6.102km2 với 14 đơn vị hành chính, trong đó có 4 thành phố, 1 thị xã và 9 huyện. Để lập quy hoạch, tư vấn đã cập nhật, phân tích mở rộng ra các vùng lân cận tỉnh Quảng Ninh như Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Lạng Sơn và khu vực biên giới Trung Quốc giáp với Quảng Ninh.

Đồng thời, đồ án đã bám sát định hướng phát triển của tỉnh “một tâm, hai tuyến, đa chiều, hai mũi đột phá”; “kết nối vùng ở cấp quốc gia và kết nối khu vực ở cấp quốc tế”; lựa chọn định hướng phát triển, tổ chức không gian vùng tỉnh Quảng Ninh gồm 1 trung tâm và 4 tiểu vùng, trong đó vùng đô thị Hạ Long (Hạ Long- Cẩm Phả- Hoành Bồ) sẽ là đô thị trung tâm, cùng với 4 tiểu vùng tạo thành các vùng đô thị vệ tinh.
Cửa ngõ phía Đông của TP Hạ Long.
Cửa ngõ phía Đông của TP Hạ Long.
Quy hoạch vùng Quảng Ninh được chia làm 3 giai đoạn: Tầm nhìn chiến lược đến năm 2050, quy hoạch dài hạn đến năm 2030 và quy hoạch ngắn hạn đến năm 2020.

Mục tiêu của quy hoạch là tới năm 2030, Quảng Ninh sẽ trở thành một tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, một trong những đầu tàu kinh tế của miền Bắc và cả nước; xóa đói, giảm nghèo bền vững; giữ gìn và phát huy tối đa bản sắc dân tộc, bảo tồn và phát huy bền vững Di sản- Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.

Đến năm 2050, Quảng Ninh sẽ trở thành vùng đô thị lớn mang tầm vóc quốc tế, là trung tâm của “hai vành đai, một hành lang” kinh tế, cửa ngõ của Asean ra Trung Quốc; trở thành vùng trung tâm du lịch-dịch vụ quốc tế;  vùng đô thị phát triển bền vững, đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại 1, thành phố trực thuộc T.Ư; trở thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.

Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn đến 2020 đạt khoảng 12-13%/năm và giai đoạn 2020-2030 đạt khoảng 6-7%/năm với cơ cấu GDP theo hướng dịch vụ - công nghiệp, trong đó dịch vụ chiếm 51-52%, công nghiệp và xây dựng chiếm 45-46%.

Mục tiêu GDP bình quân đầu người của Quảng Ninh đến năm 2020 đạt 8.000-8.500USD và đến năm 2030 đạt khoảng 20.000USD.

Theo đánh giá của các chuyên gia, đồ án đã được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, đạt yêu cầu cơ bản về chất lượng. Các số liệu của đồ án được cập nhật đầy đủ và bám sát theo đúng nhiệm vụ quy hoạch vùng; đưa ra được những định hướng lớn để phát triển vùng Quảng Ninh.

Đồ án cũng đã có cách làm mới về quy hoạch vùng theo phương pháp tiếp cận tổng hợp, nên có thể giải quyết vấn đề liên vùng và sự phát triển chênh lệch giữa các khu vực.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đánh giá, đây là một đồ án rất có sức sống, có phương án tiếp cận khoa học với nhiều nội dung phong phú, cụ thể nhưng vẫn gắn với Quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội và các quy hoạch khác. "Đồ án hoàn toàn có đủ điều kiện để trình HĐND tỉnh thông qua và UBND tỉnh phê duyệt. Qua đó trở thành công cụ quản lý nhà nước để thực hiện xây dựng theo quy hoạch và thu hút đầu tư" - ông 
Dũng khẳng định.