Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quảng Ninh: tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết

Vĩnh Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để tập trung đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) dịp Tết Nguyên đán.

TP Móng Cái hiện có 13 chợ và trung tâm thương mại; 6.557 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, lĩnh vực ngành y tế quản lý là 836 cơ sở; lĩnh vực công thương quản lý là 2.264 cơ sở; 3.457 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản thuộc ngành nông nghiệp quản lý.

Nhằm tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh ATTP, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân 2025, ngay từ cuối năm 2024, TP Móng Cái đã củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP từ thành phố đến các xã, phường.

Đồng thời, tuyên truyền về tác hại, thiệt hại của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng rau, chất cấm trong chăn nuôi, hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản; tác hại của việc sử dụng thực phẩm không an toàn đối với sức khỏe; tuyên truyền nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về ATTP trong dịp Tết và mùa lễ hội năm 2025.

Ảnh Thanh Nga.
Ảnh Thanh Nga.

Tại huyện Đầm Hà có trên 2.089 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Huyện đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, kiểm tra thường xuyên, liên tục các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng trong công tác đảm bảo vệ sinh ATTP, kiểm soát, ngăn chặn kịp thời thực phẩm kém chất lượng. Đồng thời, thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh ATTP, tiến hành kiểm tra công tác quản lý về ATTP của các xã, thị trấn và công tác đảm bảo vệ sinh ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn huyện như: cơ sở sản xuất giò chả, bún phở; cơ sở kinh doanh bánh, kẹo, rượu, bia, nước giải khát tại chợ trung tâm huyện và các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Cùng với kiểm tra, Đoàn liên ngành của huyện đã nhắc nhở, hướng dẫn các hộ sản xuất, kinh doanh về quy định bố trí, sắp xếp các ngành hàng, mặt hàng, bảo hộ lao động; thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về vệ sinh ATTP cũng như các kiến thức trong việc lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân, các hộ sản xuất, kinh doanh, từ đó nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong công tác bảo đảm ATTP.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh triển khai đợt cao điểm đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, tập trung vào các mặt hàng bánh kẹo, đường, rượu, bia, nước ngọt, lương thực, thực phẩm... Sau khi phát động đợt cao điểm, riêng tháng 12/2024, toàn tỉnh đã phát hiện xử lý 47 vụ/47 đối tượng/50 hành vi vi phạm hành chính với tổng số tiền gần 610 triệu đồng. Luỹ kế 12 tháng năm 2024, kiểm tra 1.174 vụ, phát hiện xử lý 1.068 vụ/1.068 đối tượng/1.212 hành vi vi phạm, bằng 104% số vụ xử phạt so với cùng kỳ 2023, với tổng số tiền trên 28 tỷ đồng, bằng 147% so với cùng kỳ 2023.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cũng đã tham mưu cho Sở Y tế xây dựng, trình UBND tỉnh các chương trình, kế hoạch, nội dung hoạt động cụ thể để đảm bảo ATTP dịp Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân năm 2025. Trong đó, tập trung vào một số nội dung trọng tâm, như: tập trung đẩy mạnh tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông, qua hình thức phát tờ rơi, tờ gấp… tới các tổ chức, cơ sở, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng về vệ sinh ATTP.

Tiếp tục đẩy mạnh phối hợp liên ngành, triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm, cảnh báo nhanh sự cố về ATTP trên toàn tỉnh. Nhất là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất và tiến hành kiểm nghiệm, giám sát, hậu kiểm việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP; kiên quyết xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm…