Ngày 29/7, đồ án qui hoạch chung sẽ được công bố và trưng bày tại Cung Qui hoạch Quốc gia (Mỹ Đình, Từ Liêm).
Theo qui hoạch, dự báo dân số đến năm 2020 của Thủ đô Hà Nội khoảng 7,3 - 7,9 triệu người, tỉ lệ đô thị hóa khoảng 58 - 60%. Dân số đến năm 2030 khoảng 9 - 9,2 triệu người, tỉ lệ đô thị hóa khoảng 65 - 68%. Đến 2050, dân số tối đa khoảng 10,8 triệu người, tỉ lệ đô thị hóa khoảng 70 - 80%.
Tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ giao UBND thành phố Hà Nội tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung các nội dung qui hoạch trong các đồ án, và quy định quản lý liên quan đã ban hành. Đồng thời, tổ chức lập và phê duyệt các qui hoạch phân khu, qui hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, qui hoạch xây dựng các khu dân cư nông thôn, qui chế quản lý qui hoạch kiến trúc phù hợp qui hoạch chung. UBND thành phố Hà Nội có trách nhiệm chỉ đạo việc rà soát, quản lý các công trình cao tầng trên địa bàn thành phố theo điều kiện cụ thể của từng khu vực, phù hợp qui định quản lý theo đồ án qui hoạch chung…
Mỗi đô thị vệ tinh có đặc thù riêng
Theo qui hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mô hình không gian đô thị Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có kết nối với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia. Đô thị trung tâm được phân cách các đô thị vệ tinh, các thị trấn bằng hành lang xanh (chiếm 70% diện tích đất tự nhiên của Thành phố).
Khu vực đô thị trung tâm được phát triển mở rộng từ khu vực nội đô về phía Tây, Nam đến đường vành đai 4 và về phía Bắc với khu vực Mê Linh, Đông Anh; phía Đông đến khu vực Gia Lâm và Long Biên. Là trung tâm chính trị hành chính, kinh tế, văn hóa, lịch sử, dịch vụ, y tế, đào tạo chất lượng cao của TP. Hà Nội và cả nước. Dự báo dân số đến năm 2020 đạt khoảng 3,7 triệu người; diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 45.300ha, chỉ tiêu khoảng 70 m2/ người và đất ngoài dân dụng khoảng 19.300ha. Dân số đến năm 2030 đạt khoảng 4,6 triệu người; diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 55.200ha; đất dân dụng khoảng 34.900ha; chỉ tiêu đất xây dựng dân dụng khu vực nội đô khoảng 60 - 65 m2/người, khu vực mở rộng phía Nam sông Hồng khoảng 90 - 95 m2/ người, khu mở rộng phía Bắc sông Hồng khoảng 75 - 90 m2/người; đất ngoài dân dụng khoảng 20.300ha…
5 đô thị vệ tinh, mỗi đô thị có chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, hoạt động tương đối độc lập để hỗ trợ và chia sẻ với đô thị trung tâm về nhà ở, đào tạo, công nghiệp, dịch vụ. Trong đó: Đô thị vệ tinh Hòa Lạc có chức năng chính về khoa học công nghệ vàđào tạo. Đô thị vệ tinh Sơn Tâylà đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, trọng tâm là khu bảo tồn thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm… Đô thị vệ tinh Xuân Mai là đô thị dịch vụ - công nghiệp hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp và hệ thống làng nghề. Đô thị vệ tinh Phú Xuyên là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa; xây dựng các khu, cụm công nghiệp để di dời công nghiệp từ các khu vực nội đô, khu vực Hà Tây (cũ) và hỗ trợ phát triển nông nghiệp cho vùng đồng bằng phía Nam sông Hồng. Đô thị vệ tinh Sóc Sơn là đô thị phát triển về công nghiệp và dịch vụ hàng không, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, hình thành mới khu công nghiệp Mai Đình và các khu công nghiệp sạch, trung tâm y tế, khu đại học tập trung.
Hạn chế phát triển nhà cao tầng trong nội đô
Khu nội đô lịch sử của Hà Nội giới hạn từ phía Nam sông Hồng đến đường vành đai 2. Đây là khu vực bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long, các giá trị truyền thống của người Hà Nội. Bảo tồn, cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan đô thị và tôn vinh văn hóa, lịch sử truyền thống của khu phố cổ, khu phố cũ, Hồ Gươm, Hồ Tây, Thành Cổ… Điều chỉnh các chức năng sử dụng đất, di dời các cơ sở sản xuất, cơ sở đào tạo, y tế không phù hợp ra bên ngoài. Đồng thời bổ sung hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, cải tạo chỉnh trang kiến trúc đô thị, cảnh quan, tăng cường cây xanh mặt nước và bảo vệ môi trường sống. Quihoạch chung xác định rõ việc hạn chế phát triển nhà cao tầng và kiểm soát sự gia tăng dân số cơ học, giảm từ 1,2 triệu người xuống khoảng 0,8 triệu người.
Qui hoạch cũng xác định trên dọc tuyến sông Hồng, phần đất đoạn tuyến đi qua Tứ Liên không xây dựng công trình cao tầng làm ảnh hưởng tới trục không gian cảnh quan kết nối Hồ Tây - Cổ Loa. Trong khu vực nội đô ưu tiên xây dựng mới và hoàn thiện các công viên, vườn hoa.
Khu nội đô mở rộng được giới hạn từ đường vành đai 2 đến sông Nhuệ, là khu vực phát triển các khu đô thị mới, các trung tâm văn hóa, dịch vụ - thương mại cấp thành phố có chất lượng cao, kiến trúc hiện đại. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị đồng bộ hiện đại, chỉnh trang kiến trúc một số khu dân cư và làng xóm ven đô trong quá trình mở rộng đô thị. Dân số đến năm 2030 khoảng 0,85 - 0,9 triệu người. Khu vực phát triển dân cư mới đồng bộ và hiện đại, các trung tâm văn hóa, dịch vụ thương mại, tài chính của vùng, quốc gia được xác định tại khu mở rộng phía Nam sông Hồng từ sông Nhuệ đến đường vành đai 4 gồm chuỗi các đô thị: Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thanh Trì. Khu mở rộng phía Bắc sông Hồng, Nam sông Cà Lồ gồm 3 khu vực chính: khu đô thị Long Biên - Gia Lâm, khu đô thị Đông Anh, khu đô thị Mê Linh - Đông Anh.
Các chương trình ưu tiên đầu tư *Đầu tư xây dựng cải tạo phát triển đô thị mới và các cơ sở kinh tế - xã hội chính: - Cải tạo các chung cư cũ; phát triển các khu đô thị mới phía Đông đường vành đai 4, Đông Anh, Mê Linh - Đông Anh. - Nhà ở xã hội và tái định cư, công viên cây xanh và hồ điều tiết nước. - Phát triển hệ thống trung tâm thương mại và văn hóa, thể thao; xây dựng trung tâm tài chính, triển lãm quốc tế và thể dục thể thao Đông Anh. - Thực hiện việc di dời các cơ sở cao đẳng, đại học, y tế ở khu vực nội đô. Xây dựng các cụm trường đại học mới và các tổ hợp y tế đa chức năng theo qui hoạch. - Chương trình, kế hoạch để đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý đô thị. *Đầu tư cho giao thông: - Xây dựng và hoàn chỉnh các trục giao thông hướng tâm và vành đai: Nhật Tân - Nội Bài, Tây Thăng Long, Hồ Tây - Ba Vì, Đỗ Xá - Quan Sơn…; đường vành đai 1, vành đai 2, vành đai 2,5; vành đai 3, vành đai 3,5, vành đai 4 và các trục đường chính đô thị. - Hệ thống đường bộ nhiều tầng, nút giao khác mức, hệ thống bến bãi đỗ xe; nâng cấp giao thông nông thôn. - Ưu tiên xây dựng hệ thống đường sắt đô thị, BRT, xe buýt, đáp ứng phần lớn nhu cầu giao thông vận tải công cộng của Thủ đô. |