Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quốc gia EU lên tiếng báo động về nhập khẩu khí đốt Nga

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Bộ Năng lượng Áo, việc không nhận được nguồn cung khí đốt từ Nga sẽ gây ra hậu quả sâu rộng cho nền kinh tế nước thành viên EU.

Áo hiện là quốc gia EU phụ thuộc nhiều nhất vào nguồn cung Nga. Ảnh: RT

Áo hiện là quốc gia EU phụ thuộc nhiều nhất vào nguồn cung Nga. Ảnh: RT

Theo tờ Bloomberg, Áo nhìn thấy rủi ro lớn từ việc dừng đột ngột dòng khí đốt Nga, vốn đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp nặng hướng đến xuất khẩu của quốc gia Trung Âu này.

Tuyên bố của Bộ Năng lượng Áo nêu rõ: "Chúng ta tiếp tục đối mặt rủi ro lớn về sự cố nguồn cung năng lượng với hậu quả sâu rộng nếu vẫn còn phụ thuộc vào dòng chảy khí đốt từ Nga. Do đó, cần phải chấm dứt sự phụ thuộc này càng sớm càng tốt".

Giá khí đốt châu Âu tuần trước đã tăng vọt sau cuộc đột kích của quân đội Ukraine tại tỉnh biên giới Kursk, có nguy cơ gây ra tình trạng gián đoạn nguồn cung năng lượng tại thị trấn Sudzha - điểm trung chuyển khí đốt xuyên biên giới quan trọng ở Nga.

Thị trấn Sudzha là nơi đặt trạm trung chuyển khí đốt cuối cùng còn hoạt động giữa Ukraine và Nga. Đây là nơi Nga bơm khí đốt từ Tây Siberia qua Ukraine để đi đến Slovakia và các nước Liên minh châu Âu (EU) khác.

Reuters hôm 13/8 đưa tin, giao tranh dữ dội giữa lực lượng Ukraine và Nga gần đường ống dẫn khí mà Nga sử dụng để cung cấp khí đốt cho Áo không làm gián đoạn nguồn cung.

Cùng ngày, tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom cũng cho biết vẫn đang bơm khí đốt tới Ukraine qua thị trấn Sudzha.

Chính quyền Vienna đã tìm cách chấm dứt sự phụ thuộc kéo dài hàng thập kỷ vào khí đốt giá rẻ của Nga kể từ khi bùng phát chiến sự tại Ukraine hồi tháng 2/2022. Tuy nhiên, Áo hiện vẫn chưa thể tìm được nhà cung cấp khác thay thế nguồn cung khí đốt của Nga do giá nhập khẩu từ các quốc gia khác đắt hơn nhiều.

EU đã giảm đáng kể sự phụ thuộc vào khí đốt Nga sau khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu, khiến Áo trở thành quốc gia EU phụ thuộc nhiều nhất vào nguồn cung Nga.

Lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga của Áo trong năm ngoái đã đạt mức tương đương thời điểm trước khi xảy cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Hồi tháng 2, Bộ trưởng Năng lượng Áo Leonor Gewessler đã kêu gọi  cần sớm chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga, bao gồm cả việc hủy hợp đồng kéo dài đến năm 2040 được Công ty năng lượng quốc gia OMV và Gazprom ký vào năm 2028.

Theo Bộ trưởng Gewessler, thị phần nhập khẩu khí đốt của Áo từ Nga tiếp tục tăng mạnh và đạt mức cao kỷ lục tới 98% vào tháng 12/2023.

OMV, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu trên thị trường khí đốt của Áo, là một trong những doanh nghiệp EU đầu tiên đồng ý thanh toán mua khí đốt Nga bằng đồng ruble theo cơ chế thanh toán mới được Moscow thực hiện với các "quốc gia không thân thiện”.

Tuy nhiên, Giám đốc điều hành OMV Alfred Stern hồi tháng 2 năm nay tuyên bố, việc từ bỏ khí đốt của Nga sẽ gây ra hậu quả khủng khiếp cho nền kinh tế và an ninh năng lượng của Áo.

Ông Stern cũng khẳng định, tập đoàn OMV sẽ tuân thủ hợp đồng khí đốt dài hạn với Gazprom và không có kế hoạch chấm dứt thỏa thuận này trong thời gian tới. Thỏa thuận nhập khẩu khí đốt giữa OMV và “ông lớn” khí đốt Nga được ký vào năm 2018 và có hiệu lực đến năm 2040.

Trong khi đó, hồi đầu tháng này, Liên minh cầm quyền của Áo cam kết chấm dứt nhập khẩu khí đốt Nga năm 2027 trong khuôn khổ quá trình chuyển đổi sâu rộng với hệ thống năng lượng của nước này. Chính phủ Áo dự kiến trình bày lộ trình chi tiết trước cuộc bầu cử ngày 29/9.

Theo kịch bản xấu nhất do Bộ Năng lượng Áo công bố, nếu dòng khí đốt Nga dừng đột ngột và Áo không thể vận chuyển thêm qua Italia, thì lượng khí đốt trong kho có thể giảm xuống chỉ còn 15% công suất vào năm 2026.

Một kịch bản có khả năng xảy ra hơn là nguồn cung của Nga sẽ dừng lại từ tháng 1/2025, các chuyến hàng mới qua Italia sẽ đáp ứng nhu cầu tăng cao của Áo và kho dự trữ của nước này sẽ đạt 60% vào năm 2027.